Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Không thể đổ trách nhiệm hoàn toàn cho người dân

Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Không thể đổ trách nhiệm hoàn toàn cho người dân

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 5, 06/02/2025 14:48

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của Hà Nội đang thể hiện tư duy "cứ phạt thật nặng là hết ùn tắc, cứ phạt thật nặng là giao thông tốt lên".

UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về tờ trình dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Thành phố dự kiến nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với nghị định 168 với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thời hạn áp dụng từ tháng 7/2025.

Giải thích nguyên nhân cho đề xuất này, phía thành phố Hà Nội cho rằng trên địa bàn phát triển đa dạng các loại hình giao thông vận tải, nhiều chủng loại xe cộ với mật độ cao, từ đó kéo theo sự phức tạp về trật tự an toàn giao thông, khác biệt hẳn so với các tỉnh thành khác trên cả nước. Do đó, cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của thủ đô.

Theo UBND Hà Nội, dù nghị định 168/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1) đã tăng nặng mức phạt đối với một số hành vi. Tuy nhiên với thực tiễn địa bàn thành phố và tình hình vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, cần thiết tiếp tục quy định tăng nặng đối với một số hành vi để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân.

Tư duy dồn trách nhiệm về một phía

Trao đổi với Người Đưa Tin trong sáng 6/2, TS. Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông, cho rằng nhìn vào hiện trạng giao thông phải toàn diện, khách quan và đa chiều, không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm cho ý thức của người dân. 

Trong câu chuyện giao thông phải nhắc đến hạ tầng giao thông và người tham gia giao thông. Ở khía cạnh người tham gia giao thông, từ sau nghị định 168, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã được cải thiện đáng kể, có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tăng mức phạt đồng nghĩa với việc đổ hoàn toàn trách nhiệm cho ý thức của người dân với tư duy "cứ phạt thật nặng là hết ùn tắc, cứ phạt thật nặng là giao thông tốt lên".  

Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Không thể đổ trách nhiệm hoàn toàn cho người dân- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông.

"Diện mạo giao thông ở Hà Nội còn rất nhiều điều đáng nói. Diện tích quỹ đất dành cho giao thông thay vì 20% chỉ được 7-8%, mặt cắt đường phần lớn chỉ từ 7-11m, hệ thống tín hiệu, điều tiết giao thông chưa đồng bộ, vỉa hè bị lấn chiếm, giao thông công cộng phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có sức hút lớn và có tính kết nối liên thông. Nhiều dự án giao thông trọng điểm còn kéo dài, đội vốn, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến người dân. 

Với những vấn đề như vậy, nhưng không ai phải chịu trách nhiệm. Nhưng ở chiều ngược lại, người dân nếu vi phạm đã bị phạt rất nặng. Vậy liệu đã hợp lý và công bằng hay chưa?", TS. Nguyễn Xuân Thủy đặt vấn đề đồng thời cho rằng cơ quan quản lý nhà nước trước hết phải làm hết trách nhiệm của mình rồi sau đó mới nên xem xét trách nhiệm của người dân. 

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhấn mạnh nếu tăng mức phạt, đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất chính là những người thu nhập thấp, người lao động, người nghèo. 

"Hà Nội có tính phân hóa giàu - nghèo tương đối lớn. Với người có điều kiện kinh tế, việc tăng mức phạt như vậy không là gì, nhưng với người nghèo, người lao động, đó là cả cuộc sống. Vậy mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông với mục tiêu an sinh xã hội nên được nhìn nhận thế nào?" TS. Nguyễn Xuân Thủy trăn trở. 

Với người có điều kiện kinh tế, việc tăng mức phạt như vậy không là gì, nhưng với người nghèo, người lao động, đó là cả cuộc sống " - TS. Nguyễn Xuân Thủy

Chuyên gia này cho rằng phải có mức phạt hợp lý để việc phạt trở thành công cụ để giáo dục, thuyết phục, cảnh tỉnh người dân chứ không phải trở thành nguyên nhân triệt hạ cuộc sống, sinh kế của người dân. 

Ở bình diện xã hội, ông Thủy cũng cảnh báo về việc tăng mức phạt cần phải tính toán đến cả sự đồng thuận của người dân. 

Cần cơ sở thuyết phục để đưa ra đề xuất

Còn theo TS. Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông, đề xuất tăng mức phạt của Tp.Hà Nội đang bị mơ hồ về cơ sở đánh giá và không nhìn thấy rõ mục tiêu của chính sách.

Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Không thể đổ trách nhiệm hoàn toàn cho người dân- Ảnh 2.

TS. Phan Lê Bình.

Theo đó, Nghị định 168/2024/NĐ-CP vừa mới được áp dụng trong hơn một tháng và rõ ràng đã tạo ra những chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người dân bao gồm cả ở Hà Nội đã được nâng cao, tự giác chấp hành ngay cả khi không có lực lượng chức năng.

Ở Hà Nội, phần lớn người dân đã tuân thủ nghiêm chỉnh hiệu lệnh đèn tín hiệu, xếp hàng trật tự, không còn tình trạng điều khiển phương tiện dừng đỗ chen lấn vào các làn đường, chiều đường… Điều này được chính các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng thống nhất thừa nhận. 

Với sự chuyển biến như vậy, câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại phải đề xuất tăng mức phạt ở thời điểm này? 

"Tôi không nhìn thấy mục tiêu của đề xuất này. Phải chăng ngay cả với mức phạt rất cao của Nghị định 168, người dân Hà Nội vẫn ngoan cố, không chịu tuân thủ, tình hình giao thông vẫn phức tạp? Phải chăng mức phạt quy định trong Nghị định 168 vẫn còn thấp so với mức sống của Hà Nội, chưa tương xứng với thu nhập của người dân ở Hà Nội? Do đó, để một đề xuất thuyết phục, trước hết cần có một cơ sở đánh giá thuyết phục và một mục tiêu hướng đến rõ ràng", TS. Phan Lê Bình nêu quan điểm. 

Chuyên gia giao thông này cho rằng, rõ ràng giao thông Hà Nội - với tư cách là một siêu đô thị có những khác biệt các địa phương khác, tuy nhiên không thể bám víu vào hai chữ "đặc thù" để tạo ra một quy định thiếu cơ sở thực tiễn và chưa chắc chắn về tính hiệu quả.  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.