UBND Tp.Hà Nội vừa có Tờ trình số 275 gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt đô thị Tp.Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Tại tờ trình lần này, có 3 nội dung chính tại dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo mà Thành phố xin Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh.
Đầu tiên, liên quan đến quy mô xây dựng chủ yếu của dự án, tổng chiều dài tuyến của dự án được đề xuất là 11,5 km, gồm 8,9 km đoạn đi ngầm và 2,6 km đoạn đi trên cao; phương tiện vận tải gồm 10 đoàn tàu có 4 toa.
Thứ hai, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được đề xuất điều chỉnh lên 35.588 tỷ đồng (tương đương 200.744 triệu Yên), tăng thêm 16.033 tỷ đồng so với thời điểm năm 2008.
Trong đó, vốn ODA vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo điều kiện vay đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) là 167.079 triệu yên, tương đương 29.672 tỷ đồng, tăng thêm 13.187 tỷ đồng.
Vốn đối ứng ngân sách Tp.Hà Nội là 5.916 tỷ đồng (tương đương 33.665 triệu yên), tăng thêm 2.846 tỷ đồng. Đối với phần vốn vay ODA, UBND Tp.Hà Nội sẽ vay lại 57%, ngân sách trung ương cấp phát 43%. Đối với phần vốn đối ứng, UBND Tp.Hà Nội chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ.
Nêu rõ lý do, Hà Nội cho biết, dự án được nghiên cứu lập tại giai đoạn năm 2007-2008, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ là dựa trên cơ sở suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang được xây dựng ở khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ thực hiện từ những năm 2000 đối với từng loại kết cấu công trình như: nhà ga ngầm, nhà ga trên cao, kết cấu hầm đào hở, cầu cạn…
Mặc dù đã cập nhật suất đầu tư các dự án và xem xét đến sự tương thích với điều kiện thi công và mặt bằng giá cả tại thành phố Hà Nội thời điểm năm 2008 nhưng do còn thiếu kinh nghiệm thực tế nên việc tính toán cũng chỉ dừng lại những vấn đề mang tính chất bình quân đối với một dự án mà chưa xem xét đầy đủ đến các yêu cầu an toàn cao; chưa tính toán đủ tổ chức vận hành, khai thác, bảo dưỡng…
Nội dung cuối được xin điều chỉnh là thời gian thực hiện mới là năm 2009 - 2031, trong đó, Hà Nội phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành năm 2029 và cần thêm 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng, thay vì hoàn thành vào năm 2015 như kế hoạch ban đầu.
Bố trí vốn qua 3 thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn
Sau khi nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Tp.Hà Nội tiếp thu, giải trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đối với 2 nội dung còn tồn tại, bao gồm:
Kế hoạch vốn cho từng thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn; Thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả điều kiện vay STEP từ nhà tài trợ theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1336 của Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, tại tờ trình này, Thành phố kiến nghị Chính phủ chấp thuận thời gian bố trí vốn thực hiện dự án qua 3 thời kỳ đầu tư công trung hạn để phù hợp với thời gian điều chỉnh dự án.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến bố trí khoảng 9.223 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 19.929 tỷ đồng; năm 2031 khoảng 5.581,5 tỷ đồng.
Về bố trí vốn qua 3 thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công năm 2019 không có quy định pháp lý cụ thể về việc cân đối, bố trí vốn đầu tư công trung hạn trong 2 kỳ liên tiếp.
Khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công 2019 quy định: "Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm… Trường hợp không đáp ứng thời hạn trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương..."
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND Tp.Hà Nội phối hợp để làm rõ về đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn nêu trên.
Về vấn đề này, UBND Tp.Hà Nội khẳng định, kế hoạch vốn cho từng thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn nói trên phù hợp với hạng mục công việc dự kiến thực hiện theo tiến độ điều chỉnh dự án. Dự kiến thì giai đoạn trung hạn 2021-2025 và 2026-2030 là giai đoạn bố trí vốn chủ yếu (bố trí 29.152 tỷ đồng, khoảng 82% so với tổng mức đầu tư) để hoàn thành đưa dự án vào khai thác.
Tuy nhiên do đặc thù tính chất của dự án cần phải có phần kinh phí đào tạo vận hành bảo dưỡng nên phải bố trí vốn đến năm 2031 (sang giai đoạn trung hạn 2031-2035).
UBND Tp.Hà Nội cam kết các nội dung giải trình cũng như đề xuất tại hồ sơ dự án đảm bảo theo quy định Luật Đầu tư công, quy định pháp luật có liên quan và đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; cam kết triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.