Những ngày qua, các cơ quan chức năng thuộc các quận, huyện tại Hà Nội đã ra quân, xử lý quyết liệt việc vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Theo ghi nhận của PV, trên các quận, huyện thuộc TP.Hà Nội một số trục đường chính, vỉa hè về cơ bản đã được giải phóng.
Hàng trăm cửa hàng có công trình vi phạm lấn chiếm vỉa hè đều đã bị các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, tháo dỡ biển...đường phố Hà Nội đã phong quang đến bất ngờ.
Ngày 15/3, theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, sau 5 ngày ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh, buôn bán phần lớn được người dân ủng hộ, không có hiện tượng tái lấn chiếm hoặc để xe tràn lan dưới lòng đường như trước.
Bà Nguyễn Thị Lan (đường Láng) cho biết, chủ trương trên ít nhiều ảnh hưởng đến công việc buôn bán của bà, nhưng bà thừa nhận việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ là rất đúng: “Đó là chủ trương chung, chúng tôi làm ăn cũng gặp phải không ít khó khăn nhưng tôi đồng ý để thủ đô trở nên đẹp đẽ, gọn gàng hơn”.
Cũng như bà Lan, chị Phạm Hà (Cầu Giấy) cho biết: “Trước nay tôi bán hàng trên vỉa hè, cũng có lúc nghĩ không thể làm vậy được mãi. Nhiều người thực hiện trả lại vỉa hè cho người đi bộ mình cũng phải làm theo thôi”.
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, phố Chùa Láng là phố tấp nập về ăn uống, đặc biệt phục vụ đối tượng sinh viên, có những cửa hàng vì đông khách nên ngày trước họ tận dụng luôn vỉa hè để bày hàng bán.
Đồng quan điểm trên, chị Phương, chủ quán vịt quay có tiếng trên phố Chùa Láng cho hay: "Việc dọn dẹp vỉa hè ít nhiều ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của quán, lượng khách giảm đi đáng kể. Dù thế, chúng tôi đồng tình ủng hộ chủ trương của các cấp, các ngành. Từ ngày dãy hàng quán trên vỉa hè được dọn dẹp, tôi nhận thấy con đường mà tôi sinh sống bao năm nay sạch sẽ, thoáng đãng hơn nhiều".
Còn với anh Nguyễn Thanh Tùng (Nguyễn Trãi) cũng bày tỏ sự đồng tình: “Chúng tôi sống ở đây, những năm qua thấy những người đến thuê trọ bày bán ra đường cũng thấy tức tối, nên khi có chủ trương này tôi rất đồng tình. Cuộc sống của những người dân như chúng tôi không có thay đổi gì nhiều, có chăng là những người tỉnh lẻ, ở quê lên thành phố kiếm sống”.
Trò chuyện với PV, những người từng "bám" vỉa hè để sống cũng bộc bạch nỗi lòng của mình, họ tiếc vì không còn chỗ kinh doanh nhưng cũng tán thành chủ trương của các cấp chính quyền, bởi họ cũng như bao người mong muốn nhìn thấy vỉa hè của thủ đô được thông thoáng như vỉa hè của các nước khác trên thế giới.
Anh Phạm Thành Tú (Nam Định) lên Hà Nội sinh sống được 5 năm bằng việc bán hoa quả tại một cửa hàng nhỏ trên đường Láng cho hay, cửa hàng của anh nhỏ, khuất giờ không được bày ra vỉa hè không ai biết mà mua. Sau khi biết được chủ trương dẹp lấn chiếm vỉa hè, anh đang có dự tính sẽ về quê hoặc làm phụ hồ cho các công trình ở Hà Nội.
Còn với cô Tươi (bán trà đá vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết: “Tôi bám vào nghề này cũng đã lâu năm, giờ không được bày bán ngoài vỉa hè nữa tôi tính sẽ về quê, mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ để có đồng ra đồng vào, phụ giúp chồng nuôi các con ăn học”.
Xem thêm:
Nữ doanh nhân 9X được chọn làm đại sứ ‘Tiếng nói trẻ’ 2017 là ai?
Clip: Phát hoảng với cách làm sạch lòng lợn bằng ủng
Thanh Lam – Thành Long