Từ ngày 1/5, nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND của HĐND TP.Hà Nội quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, giá các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc Quỹ BHYT chi trả, gồm: 10 dịch vụ khám, chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện sẽ được điều chỉnh. Theo lãnh đạo sở Y tế Hà Nội, việc tăng giá dịch vụ y tế lần này phù hợp với quy định chung, nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này gây khó khăn cho người không tham gia bảo hiểm y tế, và ai sẽ là người được hưởng lợi từ việc tăng giá gần 2.000 dịch vụ y tế này?
Trước những băn khoăn này, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả (bộ Tài chính).
Sở Y tế Hà Nội vừa thông tin về việc điều chỉnh giá gần 2.000 dịch vụ y tế, đối tượng áp dụng là những trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT, PGS.TS Ngô Trí Long thấy thế nào về quy định này?
Nâng giá gần 2.000 dịch vụ y tế đối với những người không có thẻ BHYT, như vậy nhằm mục tiêu khuyến khích mọi người sử dụng bảo hiểm y tế. Bởi, bảo hiểm là để phòng ngừa rủi ro, có người không cần mua nhưng trên thực tế cũng có người không đủ tiền để mua. Cho nên, việc điều chỉnh giá, phí của dịch vụ y tế nhằm vào người không đóng bảo hiểm. Tôi cho rằng việc này là cần thiết.
Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá lần này người dân cũng chưa biết mình được hưởng lợi gì? Bảo hiểm y tế là tự nguyện, vậy phải chăng tăng giá lần này là cách để ép người dân phải tham gia bảo hiểm?
Tôi có một lời khuyên đối với những người chưa mua bảo hiểm thì nên mua. Mua bảo hiểm có lợi là sẽ làm giảm thiểu bớt những rủi ro khi thanh toán. Bảo hiểm y tế là tự nguyện, nhưng để phòng ngừa như tôi đã nói thì nên mua bảo hiểm. Tôi chỉ lấy ví dụ, trong điều kiện hoàn cảnh bạn bị tai nạn, lại chẳng có bảo hiểm y tế thì chi phí đi viện buộc phải chịu giá cao hơn, như vậy rõ ràng mua bảo hiểm sẽ có lợi hơn.
Nhiều người cũng chia sẻ băn khoăn việc mua bảo hiểm y tế có lợi, thế nhưng còn việc tăng giá dịch vụ, có dịch vụ như chụp PET/CT mô phỏng xạ trị chưa bao gồm thuốc cản quang, người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả một phần theo quy định (tối đa 80%), còn lại tự thanh toán gần 20,5 triệu đồng. Nhưng, liệu chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh có tăng?
Quan trọng một điều là giá, phí gắn với chất lượng, ở mức giá đấy phải phản ánh đúng chất lượng. Tránh hiện tượng tăng giá một cách tuỳ tiện, gây thiệt hại cho người bệnh thì không nên. Đặc biệt, người bị bệnh là thành phần yếu thế của xã hội, xã hội phải có trách nhiệm với họ. Không phải khuyến khích mua bảo hiểm y tế mà nâng giá vô tội vạ. Nâng giá phải kèm theo với chất lượng dịch vụ. Chính người tiêu dùng sẽ đánh giá về chất lượng và cần cơ quan chức năng cũng cần phải thẩm định.
Xin cảm ơn ông!
Liên quan đến thông tin nêu trên, chiều ngày 3/5 trao đổi với PV, ông Nguyễn Nam Liên, vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính (bộ Y tế) phân tích: “Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 37 cuối năm 2018, bộ Y tế chỉ ban hành mức giá trần tối đa. Còn theo quy định của UBND cấp tỉnh sẽ trình HĐND cấp tỉnh, thành phố để quyết định thời điểm áp dụng, nên đến bây giờ Hà Nội mới áp dụng là chậm so với thông tư số 37. Còn thông tư 37 quy định giá cho những người không có thẻ BHYT, bộ Y tế cũng đã có thông tin, truyền thông với báo chí”.
Cũng nói về việc quy định của sở Y tế Hà Nội như vậy lợi hay hại?, ông Nguyễn Nam Liên cho biết: “Theo quy định chung của Nhà nước về tài chính y tế, tất cả mọi người phải tham gia BHYT, khi chữa bệnh thì BHYT sẽ thanh toán, còn người dân không có thẻ BHYT thì không được chi trả BHYT. Nếu không muốn chịu thiệt thì cần tham gia BHYT, nên điều này đưa ra là để khuyến khích người dân tham gia BHYT để khi có bệnh thì BHYT sẽ chi trả”.