Video: Diện tích ao, hồ lớn tại khu X2A phường Yên Sở bị san lấp
Thông tin đến Người Đưa Tin, thời gian qua trên địa bàn phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội) đang tồn tại nhiều vấn đề trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và việc xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực trên.
Nhiều vụ việc người dân đã có ý kiến và gửi đơn thư tài liệu cho UBND phường Yên Sở để đơn vị này vào cuộc thanh kiểm tra rà soát và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, một số thông tin mà người dân phản ánh lại không được xử lý nghiêm, thay vào đó là tình trạng vi phạm có dấu hiệu ngày một nhiều hơn và phức tạp hơn.
Ghi nhận của Người Đưa Tin, một trong những vấn nạn đang nhức nhối trên địa bàn phường Yên Sở là việc đổ chất thải, san lấp ao hồ sau đó biến những chỗ này thành điểm kinh doanh, điểm tập kết, bãi để xe. Cùng với đó những nhà xưởng được mọc lên một cách nhanh chóng.
Theo người dân, nghiêm trọng nhất là nhiều diện tích hồ tại phường Yên Sở bị lấp dẫn đến hệ lụy về môi trường sống có dấu hiệu bị đe dọa. Trong khi đó việc lấp ao hồ là vấn đề nóng và được lãnh đạo Tp.Hà Nội đặc biệt quan tâm
Qua tìm hiểu và ghi nhận Người Đưa Tin tại khu vực mà người dân phản ánh là khu X2A phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) thì những thông tin mà người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, qua thực tế khu vực này nhiều ao hồ đang bị một số cá nhân đổ phế thải một cách quy mô nhằm san lấp diện tích mặt nước để lấy mặt bằng sử dụng vào mục đích khác.
Hàng ngày có rất nhiều xe chở chất thải xây dựng như gạch, đá được lấy từ các nơi rồi tập kết về khu vực này. Sau đó máy xúc tiến hành san gạt. Phế thải xây dựng đổ đến đâu, phần diện tích ao bị thu hẹp đến đó. Hoạt động san lấp khu ao hồ này diễn ra ngay giữa ban ngày khiến khu ao này đứng trước nguy cơ xóa sổ. Để che giấu hành vi hủy hoại đất bên ngoài khu đất đều được quây tôn kín mít.
Các hoạt động san lấp này được diễn ra nhưng lại không bị các cơ quan chức năng phường Yên Sở ngăn chặn xử lý. Không chỉ vậy một số người dân còn phản ánh tình trạng đất công tại phường Yên Sở bị một số cá nhân dựng hàng quán kinh doanh, thậm chí còn ngang nhiên xây đua ra cả vỉa hè. Đáng nói vị trí này chỉ cách UBND phường Yên Sở vài trăm mét.
Trong phố là thế, phía ngoài bãi đê sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn phường Yên Sở hàng loạt nhà xưởng, trạm trộn bê tông, bến bãi được dựng lên, hoạt động bất chấp các quy định của Pháp luật.
Thành phố Hà Nội lâu nay có không ít ao, hồ bị xâm hại với nhiều hình thức, dẫn tới việc diện tích mặt nước bị thu hẹp diện tích, ô nhiễm môi trường, thậm chí bị trục lợi bất hợp pháp, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc san lấp để nhường chỗ cho các dự án, dẫn đến tỉ lệ bêtông hóa ngày càng lớn. Nhằm giữ gìn diện tích mặt nước, bảo vệ cảnh quan môi trường, UBND Tp.Hà Nội đã phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp.
Để làm rõ những vấn đề trên Người Đưa Tin đã liên hệ với UBND phường Yên Sở để làm việc. Tuy nhiên, dù nhiều lần liên hệ với ông Trương Thành Tâm - Chủ tịch UBND phường ông Tâm liên tục tìm cách đùn đẩy cho cấp dưới và tìm cách né tránh mọi câu hỏi của PV. Khi Người Đưa Tin cung cấp rất nhiều hình ảnh liên quan đến tình trạng mà người dân đang phản ánh như lấn chiếm đất công, san lấp ao hồ, tập kết chất thải và loạt trạm trộn bê tông có dấu hiệu hoạt động ô nhiễm môi trường không đảm bảo các quy định về môi trường, thì vị Chủ tịch phường Yên Sở lại nói sẽ trả lời sau và đề nghị PV làm việc với Đội TTXD phường Yên Sở.
Thế nhưng trao đổi với PV một cán bộ TTXD phường Yên Sở cho biết, mình không phải là người phát ngôn, về nội dung PV đưa ra sẽ thu thập và báo cáo lãnh đạo phường để làm rõ. Tuy vậy đến nay PV vẫn chưa thể tiếp cận được tài liệu thông tin cần thiết.
Theo một nguồn tin của PV, UBND phường Yên Sở đã lập biên bản và nắm rất rõ việc san lấp ở trên nhưng không hiểu vì lý do gì mà hoạt động san lấp vẫn diễn ra không có dấu hiệu dừng lại.
Trước sự việc trên, Người Đưa Tin đề nghị UBND Tp.Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai có những chỉ đạo, biện pháp để ngăn chặn tình trạng này trên địa bàn phường Yên Sở và thông tin trả lời báo chí theo quy định.
Người dân tự ý san lấp ao, hồ mà không có sự cho phép của nhà nước bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP mức xử phạt hành chính với hành vi hủy hoại đất như sau:
Hủy hoại đất
- Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:
- a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;
- b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
- c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
- d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.
- Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin!
Ngọc Tân - Hữu Thắng