Ám ảnh vì công trường
Theo một thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.000 công trường xây dựng lớn, nhỏ thi công. Ngoài ra, mỗi tháng có khoảng hơn 10.000m2 đường bị đào bới để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Một kết quả nghiên cứu khác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy hiện chất lượng môi trường nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang giảm sút nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hoạt động xây dựng.
Theo đó, mỗi năm môi trường không khí thành phố phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công.
Thực tế, qua khảo sát của người viết tại nhiều khu vực tập trung các công trường đang xây dựng như: Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Bắc Thăng Long… những nơi này thường có tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn rất lớn khiến người dân bức xúc.
Chẳng hạn, ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm suốt gần 2 tháng nay, cư dân tòa nhà C khu chung cư An Sinh thường xuyên phải gánh ô nhiễm từ công trình thi công đối diện. Theo đó, khu công trường trên hiện đang diễn ra các hoạt động phá dỡ nhà xưởng cũ, san lấp mặt bằng, thi công, đóng cọc… Bởi vậy, tình trạng bụi bẩn và ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng.
Tương tự, ở khu vực đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn chạy qua địa bàn các phường Mễ Trì, Phú Đô (Nam Từ Liêm); các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Côn (Hoài Đức)… hiện thường xuyên tồn tại rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, bùn đất.
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên xuất phát từ việc các phương tiện chở vật liệu, phế thải xây dựng ở các công trình gần đó chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của thành phố về đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều xe chở vật liệu không được che đậy kín, chở quá trọng tải, chưa thực hiện nghiêm túc việc rửa xe khi ra khỏi công trình khiến đường phố bị nhiễm bẩn, bụi bay mù mịt.
Đâu là giải pháp?
Để tháo gỡ những tồn tại, đồng thời triển khai những bước đầu tiên trong việc kiểm soát, bảo vệ môi trường, năm 2016 Hà Nội đã đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành và Quản lý dữ liệu môi trường. Hoạt động này đã góp phần phục vụ công tác theo dõi, quản lý và mô hình hóa chất lượng không khí.
Trên cơ sở những chỉ số thường xuyên được cập nhật, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường, Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra những phân tích, đánh giá, cũng như đề xuất, kiến nghị với thành phố giải pháp xử lý, khắc phục… Dự kiến, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục lắp thêm khoảng 100 trạm quan trắc ở khắp các điểm trên toàn thành phố.
Cần phải khẳng định, ô nhiễm môi trường do sự phát triển nóng của đô thị đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, làm giảm chỉ số cạnh tranh của Hà Nội khi thu hút đầu tư. Và việc kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động xây dựng chỉ có thể hiệu quả khi các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Ngoài ra, các giải pháp đồng bộ như phân luồng giao thông, hạn chế phương tiện di chuyển vào khu vực xây dựng, áp dụng việc phun, rửa phương tiện ra vào công trường… Cũng cần phải được đơn vị thi công tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh.
Theo Pháp luật VN