Hà Nội: Đội xung kích phòng, chống sốt xuất huyết hoạt động chưa hết công suất

Hà Nội: Đội xung kích phòng, chống sốt xuất huyết hoạt động chưa hết công suất

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 7, 26/08/2017 08:00

Thông tin từ sở Y tế Hà Nội, qua kiểm tra một số xã, phường, đội xung kích trong phòng, chống sốt xuất huyết hoạt động chưa đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.

Tại cuộc họp ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh mới diễn ra tại Hà Nội do bộ Y tế tổ chức, đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian gần đây tại Hà Nội, GS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong tại các phường: Trung Liệt, Quốc Tử Giám (quận Đống Đa); Giáp Bát, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai); Cống Vị (quận Ba Đình); Quang Trung (quận Hà Đông) và phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

Xã hội - Hà Nội: Đội xung kích phòng, chống sốt xuất huyết hoạt động chưa hết công suất

GS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (bộ Y tế).

Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là: Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Hoàn Kiếm.

“Hằng năm, số mắc ghi nhận rải rác từ đầu năm và thường gia tăng từ tháng Bảy, tháng Tám, sau đó tăng mạnh vào tháng Chín, tháng Mười, đỉnh dịch rơi vào tháng Mười Một. Tuy nhiên, năm 2017 dịch đến sớm từ đầu tháng Năm và gia tăng nhanh trong tháng Sáu và tháng Bảy.

Số mắc trong 2 tuần gần đây của Hà Nội không tăng, có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao.

Kết quả đánh giá phun hóa chất sau 1 ngày cho thấy, hiệu quả rất cao. Tại tất cả các điểm phun, qua giám sát không còn muỗi trưởng thành. Chỉ số mật độ muỗi tại tất cả các điểm giám sát sau phun đều bằng 0”, GS.TS Trần Đắc Phu thông tin.

Cùng trao đổi về công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian qua tại Hà Nội, TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng (sở Y tế Hà Nội) cho biết: Qua kiểm tra phun hóa chất, 12% số trường học còn bọ gậy. Thời điểm này, học sinh, sinh viên một số trường đã nhập học nên Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra các trường trong việc phun hóa chất diệt muỗi cũng như diệt lăng quăng, bọ gậy.

Cũng theo ông Cảm, hiện nay, ngành Giáo dục Hà Nội đang triển khai rất quyết liệt công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 trên địa bàn thành phố. 100% các trường nếu phát hiện bọ gậy, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước Bộ cũng như sở GD&ĐT.

Đồng thời, ngành Y tế cũng gửi bản kiểm điểm để tự kiểm tra tại nhà mình đối với học sinh cấp 2, cấp 3, sau đó nộp lại nhà trường.

“Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1,5 triệu học sinh cấp 2, cấp 3. Đây cũng là lực lượng giúp công tác phòng, chống dịch của Hà Nội được tốt hơn”, TS. Nguyễn Nhật Cảm chia sẻ.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Nhật Cảm còn cho biết, vừa qua bộ Y tế cũng hỗ trợ Hà Nội 110 sinh viên đại học liên quan tới ngành y, thành lập đội xung kích ở 11 quận, huyện và 44 xã, phường.

Tỉ lệ hộ gia đình còn bọ gậy trung bình là 20%. TS. Nguyễn Nhật Cảm đánh giá, đây là con số cao mặc dù trước khi diệt bọ gậy có trên 30% số hộ gia đình có bọ gậy; chiến dịch đạt kết quả chưa như mong muốn nên cần làm quyết liệt hơn.

Trước câu hỏi của Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về kết quả hoạt động của đội xung kích, của sinh viên mà bộ Y tế hỗ trợ, TS. Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Thực hiện chỉ đạo của thành phố, tất cả xã, phường đã thành lập đội xung kích. Qua kiểm tra một số xã, phường hoạt động chưa đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố. Sau khi đi kiểm tra, Chủ tịch UBND các quận, huyện yêu cầu xã, phường kiện toàn lại.

Về công tác diệt bọ gậy, qua đánh giá của đội sinh viên bộ Y tế hỗ trợ, 98% đã hoạt động trong đó 60% hoạt động có hiệu quả, 40% chưa hoạt động được 100%.

“Hà Nội đã áp dụng cả 3 loại hình để phun hóa chất diệt muỗi: Phun bằng máy công suất lớn, trong đó, có 22 máy phun cỡ lớn trang bị cho 22 quận huyện, phát huy hiệu quả tốt đặc biệt là phun ở trường học và nơi công cộng; máy phun đeo vai; đáng chú ý, Hà Nội triển khai phun mù nóng ở trường học, công trường xây dựng, nơi công cộng phát huy hiệu quả tốt”, TS. Nguyễn Nhật Cảm nói thêm.

Xã hội - Hà Nội: Đội xung kích phòng, chống sốt xuất huyết hoạt động chưa hết công suất (Hình 2).

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đưa ra ý kiến: “Tại TP.Hà Nội, khu phế thải có rất nhiều lăng quăng, những nhà cao tầng hay có khu nước đọng nên thanh niên phải kết hợp với ngành Y tế thường xuyên kiểm tra. Chúng tôi rất lo ngại vấn đề này.

Đồng thời, các ngành, các cấp theo đúng chức năng của mình phải tham gia mạnh mẽ hơn  trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết vì một mình ngành Y tế không thể giải quyết được vấn đề.

Các địa phương và Hà Nội tiếp tục duy trì tổ xung kích, kiểm soát chặt chẽ hơn các tổ đó để hoạt động tốt hơn. Hà Nội phải coi mỗi phường là một ổ dịch để nâng cao việc phòng, chống sốt xuất huyết, tăng cường diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi”.

Nguyễn Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.