Trao đổi với PV chiều 24/4, ông Dương Đức Tuấn, phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đồng ý phương án xây cầu vượt tại ngã 5 Ô Chợ Dừa (Quận Đống Đa).
Phương án được chọn là phương án 2, làm cầu vượt dầm thép thiết kế theo hướng Vành đai I (Xã Đàn - Hoàng Cầu) có chiều dài 632m, rộng 14,5 m với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 776 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp là 451 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng và thu hồi 549m2 đất của 51 chủ sử dụng là 33,3 tỷ đồng…
Phương án này được đánh giá có nhiều ưu điểm, trong đó có giải quyết được vấn đề rất khó, là trục của tim tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Xã Đàn) và đoạn tuyến tiếp theo được chuyển tiếp tốt trong điều kiện hai đoạn tuyến Vành đai 1 tại nút giao Ô Chợ Dừa không tạo thành một đường thẳng.
Ông Dương Đức Tuấn, phương án này hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng nhiều lần với các hộ dân trong khu vực. Bên cạnh đó, ít ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc. Bộ VH,TT&DL, Bộ GTVT đều đã thống nhất về việc lựa chọn phương án này.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu, đại diện chủ đầu tư tổ chức hội thảo giới thiệu và làm rõ phương án kiến trúc cây cầu, lấy ý kiến các chuyên gia văn hóa, lịch sử để hoàn thiện dự án.
Chủ tịch TP Hà Nội đã đồng ý cho xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc
Trước đó, đầu tháng 4/2013, ngay sau khi phương án xây cầu vượt qua khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa được công bố, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với dự án này do lo ngại ảnh hưởng đến Đàn Xã Tắc.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển khuyên rằng: Nên dừng dự án lại, các nhà quản lý cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng xây cầu vượt chắc chắn xâm hại di tích. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái (Trường ĐHKHXH & NV) khẳng định sẽ rất chướng nếu xây cầu vượt lên trên đàn tế, vì khi những người trần mắt thịt đi lên cầu tức là đi lên đầu tổ tiên.
GS Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng cho rằng: "Đơn vị thi công cần phải tính toán kỹ lưỡng việc thi công cây cầu để đảm bảo phần móng của trụ cầu không xâm hại đến di tích. Nên xem xét tới việc xây dựng cầu bằng thép thay vì bằng bê tông nếu có thể để sau này nếu có giải pháp khác vừa bảo tồn được di tích, vừa giải quyết đến vấn đề giao thông thì sẽ dễ dàng xử lý hơn".
Ông Dương Trung Quốc, tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, Đại biểu Quốc hội cho rằng: “Tôi không có chuyên môn về giao thông, nhưng tôi nghĩ có nhiều phương án, không phải duy nhất chỉ có cầu vượt. Không vì một vài hiệu quả của cầu vượt phát huy tốt, rồi chỗ nào cũng làm”.
Khác với các nhà khoa học, ông Bùi Danh Liên (chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) nhấn mạnh: Trong bối cảnh đô thị Hà Nội đang quá tải như hiện nay, nếu không có những giải pháp như xây cầu vượt thì khó lòng giải quyết được ùn tắc. Cầu vượt ngã năm Ô Chợ Dừa dứt khoát phải làm. Khi hoàn thành, công trình sẽ giúp thông thoáng nút giao vốn luôn ùn tắc này. Người dân rất mong cầu vượt nhanh chóng được triển khai và đưa vào sử dụng để giải quyết tình trạng ách tắc đang xảy ra hằng ngày tại đây.
Theo Khám phá