Trưa 25/1 (tức 28 tháng chạp), trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội cho biết, trong số 35 sân khấu phục vụ biểu diễn nghệ thuật có 30 sân khấu tương ứng tại 30 quận, huyện, riêng Trung tâm TP. Hà Nội có 5 sân khấu điểm nhấn.
Nói về ý tưởng rung chuông đồng loạt tại các chùa, nhà thờ vào đêm giao thừa, ông Tô Văn Động cho hay: “Sở VHTT chỉ nhắc còn việc rung chuông đón giao thừa là việc làm từ xưa tại các chùa, nhà thờ cho nên để tự nhiên”.
Trước đó, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, TP. Hà Nội đã quyết định không bắn pháp hoa vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 và giành hàng chục tỷ đồng để ủng hộ đồng bào bão lũ miền Trung.
Tại buổi giao ban báo chí thành ủy Hà Nội ngày 3/1, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã cho biết, Sở này đang nghiên cứu, khuyến khích các đền, chùa, nhà thờ cùng rung chuông lúc giao thừa thay cho việc bắn pháo hoa.
Ngay sau đó, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này. Nhiều người cho rằng, việc rung chuông như vậy sẽ góp phần khiến không khí đêm giao thừa thêm thiêng liêng. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến e ngại việc đề nghị các cơ sở tôn giáo rung chuông lúc giao thừa là không phù hợp mà nên để tự nguyện.
Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 tổ chức ngày 21/1, Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho rằng nên dừng việc rung chuông.
“Thành phố không có chủ trương, quy định nào về việc rung chuông lúc giao thừa. Theo tôi, không nên chỉ đạo các cơ sở tôn giáo làm thế. Nhà chùa nào có nhu cầu thì để chùa thực hiện thôi", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nói.
Nhất Nam