Hà Nội: Gần 60.000 công ty chây ỳ đóng BHXH, hàng nghìn tỷ đồng bị nợ đọng

Hà Nội: Gần 60.000 công ty chây ỳ đóng BHXH, hàng nghìn tỷ đồng bị nợ đọng

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Chủ nhật, 16/02/2025 13:51

Tính đến hết tháng 1/2025, Hà Nội có tới 59.944 đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chậm đóng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng chục nghìn lao động.

Theo thống kê mới nhất, tính đến hết tháng 1/2025, toàn thành phố có tới 59.944 đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số tiền chậm đóng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Con số này cho thấy sự trì trệ trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của nhiều doanh nghiệp, điều này chắc chắn sẽ khiến không ít người lao động rơi vào cảnh lao đao vì không được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định.

Đáng chú ý, trong số gần 60.000 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm, có hàng trăm doanh nghiệp đã chậm đóng trên 6 tháng với số tiền từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.

Trường kỳ nợ tiền BHXH

Đứng đầu danh sách chậm đóng bảo hiểm là CTCP Anh ngữ APAX với tổng số tiền chậm đóng đã gần chạm ngưỡng 61 tỷ đồng cùng thời gian chậm đóng là 59 tháng (4 năm 11 tháng).

Trong những năm gần đây, Apax English đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh khi công ty gặp phải các vấn đề về tài chính và quản lý.

Chưa kể, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ - Chủ tịch HĐQT công ty cũng vừa bị bắt tạm giam với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong năm 2024, điều này đã giáng một đòn mạnh tay khiến công ty lâm vào tình huống khó khăn.

Hà Nội: Gần 60.000 công ty chây ỳ đóng BHXH, hàng nghìn tỷ đồng bị nợ đọng- Ảnh 1.

CTCP Anh ngữ APAX với tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm đã gần chạm ngưỡng 61 tỷ đồng.

Đứng sau Anh ngữ Apax là đơn vị có thời gian nợ kéo dài nhiều năm với số tiền rất lớn - CTCP LILAMA 3.

Tính đến hết tháng 1/2025, LILAMA 3 đã có tới 118 tháng (9 năm 10 tháng) chậm đóng bảo hiểm với tổng số tiền chậm đóng đã lên tới gần 47 tỷ đồng.

Mặc dù là thành viên của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, với lịch sử hình thành từ năm 1960 và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 6/2006 nhưng doanh nghiệp này lại có lịch sử nợ đọng bảo hiểm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Vào giữa năm 2024, công ty này đã bị xử phạt 162,5 triệu đồng vì hành vi chậm đóng BHXH. Ngoài khoản phạt này, LILAMA 3 còn phải hoàn tất việc đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi phát sinh cho cơ quan BHXH.

Cũng có lịch sử lâu đời lên đến hơn 60 năm, Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình cũng nằm trong danh sách nợ đọng bảo hiểm.

Công ty này đã có 1 năm không đóng bảo hiểm với số tiền nợ đơn vị BHXH Tp.Hà Nội ở mức 6,8 tỷ đồng.

Thêm một doanh nghiệp tiếp tục lọt vào "danh sách đen" phảui kể đến CTCP LISOHAKA nợ BHXH lên tới 206 tháng (17 năm 2 tháng) với số tiền là hơn 7,8 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp có số tháng nợ BHXH nhiều nhất trong danh sách này.

"Ông lớn" cũng không ngoại lệ

Ngoài những doanh nghiệp lâu đời, danh sách chậm đóng bảo hiểm này còn ghi nhận một số cái tên "đình đám" về cung cấp dịch vụ với hoạt động kinh doanh sôi nổi trên thị trường.

Đặc biệt nhất phải kể đến Công ty TNHH Shopee - công ty quản lý sàn thương mại điện tử Shopee với tổng số tiền chậm đóng là hơn 15,2 tỷ đồng.

Shopee hiện đang là một trong những sàn thương mại điện tử lớn và phổ biến nhất Việt Nam, chiếm 64% thị phần trong nước, duy trì tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 34% và đạt doanh thu "khủng" trong năm 2024 tại nội địa lên tới hơn 188.000 tỷ đồng.

Hà Nội: Gần 60.000 công ty chây ỳ đóng BHXH, hàng nghìn tỷ đồng bị nợ đọng- Ảnh 2.

Công ty TNHH Shopee - công ty quản lý sàn thương mại điện tử Shopee với tổng số tiền chậm đóng là hơn 15,2 tỷ đồng.

Một cái tên máu mặt trong ngành F&B là Golden Gate cũng đang nợ hơn 5,8 tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Đây là doanh nghiệp sở hữu chuỗi hơn 500 nhà hàng trên toàn quốc với những thương hiệu nổi tiếng như Manwah, Kichi-Kichi, Gogi…

Động thái này diễn ra trước bổi cảnh nhiều thông tin không mấy tích cực vây quay "ông lớn" F&B này.

Trong năm 2024, nhiều nhà hàng trong hệ thống các thương hiệu của Golden Gate liên tiếp đóng cửa, tạm dừng hoạt động; cuối năm 2024, HĐQT công ty cũng bất ngờ thông báo sẽ không chi trả cổ tức năm 2023 như thông báo trước đó với lý do giữ lại nguồn tài chính nhằm triển khai các dự án đầu tư, mở rộng kinh doanh quy mô lớn trong và ngoài nước trong năm tới.

Hà Nội: Gần 60.000 công ty chây ỳ đóng BHXH, hàng nghìn tỷ đồng bị nợ đọng- Ảnh 3.

Nhiều thông tin không mấy tích cực vây quay "ông lớn" F&B Golden Gate.

Cũng hoạt động mảng F&B, CTCP Ẩm thực Mặt trời vàng – "cha đẻ" của các thương hiệu King BBQ, Hotpot Story, ThaiExpress… cũng bị tố đã nợ hơn 2 tháng tiền bảo hiểm với số tiền nợ đạt hơn 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn cũng bị BHXH thành phố Hà Nội nhắc tên do chậm đóng BHXH trong thời gian dài. 

Điển hình như Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội – một trong những đơn vị lớn trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, từng bị phản ánh về việc chậm trả lương công nhân và hiện nay tiếp tục bị nêu tên vì chây ì đóng BHXH.

Hay các doanh nghiệp lớn, có tiếng tăm như CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Sông Đà 6... cũng nối dài cho danh sách chây ỳ đóng BHXH ngay tại Thủ đô.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.