Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản là bé trai 12 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ.
Bệnh nhi khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau đó, cháu bé xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, kết quả xét nghiệm Mac-Elisa dịch não tủy của bệnh nhi cho thấy dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Theo báo Thanh Niên, đây là ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng kỳ năm 2023, Hà Nội không ghi nhận ca nào.
Theo gia đình, bệnh nhi đã tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản (mũi cuối cùng vào ngày 15/6/2019).
Theo TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, tại Trung tâm từng tiếp nhận trẻ nhỏ nhất bị viêm não Nhật Bản là 2 tháng tuổi và trẻ lớn 14 -15 tuổi. Đa phần bệnh nhân viêm não Nhật Bản nhập viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao liên tục, co giật, hôn mê, có thể có thần kinh khu trú, khi vào đây hầu hết được điều trị tăng áp lực nội sọ,….
Di chứng của viêm não Nhật Bản khi được phát hiện và điều trị muộn sẽ gây tổn thương não, tổn thương không hồi phục để lại di chứng dù có được điều trị tích cực…
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%) như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số người sống sót. Trong 1-2 ngày đầu mắc viêm não Nhật Bản, trẻ thường có các dấu hiệu như sốt, đau đầu tăng dần, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan.
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, phụ huynh cần phải tiêm vaccine phòng bệnh cho con. Theo TS.BS Đào Hữu Nam, thường sau 3 mũi tiêm ở 2 năm đầu đời, trẻ cần được tiêm nhắc lại các mũi sau 3-5 năm, đến khi 16 tuổi. Hiện vaccine viêm não Nhật Bản mới, có thể chỉ tiêm lại một mũi duy nhất. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm phòng nhắc lại rất rải rác, nhiều gia đình chủ quan không tiêm nhắc lại cho trẻ. Do vậy, đa phần trẻ lớn mắc viêm não, viêm não Nhật Bản là do chưa được tiêm mũi vaccine nhắc lại.
Ngoài tiêm vaccine, cần lưu ý xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu. Mặt khác, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đề phòng muỗi đốt và khi ngủ phải mắc màn, đồng thời thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.
Đặc biệt, khi trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, li bì, đau đầu, nôn khan, phụ huynh cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc viêm não và đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.
Trong tuần qua (từ 7 - 14/6), Hà Nội cũng ghi nhận 16 ca thủy đậu, giảm 8 ca so với tuần trước (24 ca). Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 643 ca mắc thủy đậu, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (1.725 ca). Các dịch bệnh uốn ván, não mô cầu, sởi, rubella, liên cầu lợn không ghi nhận trong tuần.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngành y tế tiếp tục truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh mùa hè như tay chân miệng, ho gà, thủy đậu, sởi, rubella; các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, liên cầu lợn.
Thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp, nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch. Đồng thời, đề nghị người dân cho trẻ tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch của ngành y tế.
Chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao để triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời. Tiếp tục tổ chức các biện pháp xử lý ổ dịch tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, giám sát ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Đình, Thường Tín, Đống Đa, Ứng Hòa, Thanh Xuân, Hà Đông.
Tiếp tục giám sát vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các ca mắc, nghi mắc bệnh để áp dụng biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Minh Hoa (t/h theo báo Công an nhân dân, Hà Nội mới, Thanh Niên)