Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11-18/11), thành phố ghi nhận 1.378 ca mắc mắc sốt xuất huyết (tăng 2,6% so với tuần trước); 2 ca tử vong tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao, như: Hà Đông (128 ca), Thường Tín (123 ca), Thanh Oai (103 ca), Phú Xuyên (98 ca), Hoàng Mai (90 ca).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong tuần cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện.
Đơn vị ghi nhận nhiều ổ dịch nhất trong tuần là quận Hai Bà Trưng với 7 ổ dịch, tiếp đến là quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 4 ổ dịch; các quận, huyện: Thanh Oai, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, và Hoài Đức mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại 6 quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Xuân, Đông Anh, Mê Linh, Long Biên, Quốc Oai mỗi địa bàn có 1 ổ dịch.
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.043 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Hiện còn 127 ổ dịch đang hoạt động tại 21 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân, như: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (257 bệnh nhân); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (58 bệnh nhân); tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (57 bệnh nhân); thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (28 bệnh nhân).
Trong khi số mắc mới sốt xuất huyết đang gia tăng thì kết quả giám sát tại nhiều ổ dịch cho thấy chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng.
Cụ thể, giám sát điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết tại ổ dịch tổ dân phố Tràng An, xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ có BI=65; thôn Mộc Đình, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (BI=40); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (BI=40).
Theo các chuyên gia dịch tễ, nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên, có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát. Riêng tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
“Tại các địa phương cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để. Chủ động triển khai các đợt phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao, khu vực có ca bệnh, ổ dịch, có chỉ số côn trùng ở mức cao. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành Y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, đảm bảo tỉ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế”, CDC Hà Nội nêu rõ.
Để phòng chống sốt xuất huyết, bạn hãy làm 6 điều sau theo khuyến cáo của Bộ Y tế:
-Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
-Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
-Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
-Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
-Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
-Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Minh Hoa (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Hà Nội mới)