Văn phòng UBND Tp.Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND Tp.Hà Nội về việc đề nghị phê duyệt Đề án "Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội".
Theo đề xuất, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội, dự kiến đặt trụ sở chính tại số 102 phố Hai Bà Trưng, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.
Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND thành phố, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ.
Trung tâm có chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", cải cách thủ tục hành chính; là đầu mối tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết, giải quyết (đối với một số thủ tục hành chính được ủy quyền) và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nhiệm vụ của Trung tâm gồm kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính; cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu, thí điểm, triển khai, nhân rộng các sáng kiến, cải tiến thực hiện thủ tục hành chính.
Trung tâm cũng tổ chức thực hiện cung cấp thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; quản trị, phát triển các hạ tầng, nền tảng, ứng dụng dùng chung phục vụ người dân, doanh nghiệp; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; nền tảng Công dân Thủ đô số; công cụ thanh toán số; hệ thống giám sát tập trung; hệ thống phân tích, chia sẻ dữ liệu; trợ lý ảo...
Giải thích rõ hơn sự cần thiết, UBND Tp.Hà Nội nhấn mạnh việc thành lập Trung tâm sẽ giảm số lượng bộ phận "một cửa" (giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh), góp phần tối ưu hóa nguồn lực, các nguồn lực này có thể được sử dụng hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ.
Đặc biệt nguồn nhân lực dôi dư sẽ được bố trí, sắp xếp cho các vị trí công tác khác thiếu biên chế hoặc tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Giảm phí cho cơ sở hạ tầng, bảo trì và các chi phí vận hành khác (dự kiến mỗi năm giảm 71,6 tỷ đồng), góp phần tiết kiệm ngân sách.
Giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" (giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người), giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.
Nguồn lực này có thể được sử dụng phân bổ cho các lĩnh vực khác cần thiết hơn hoặc đầu tư công nghệ hỗ trợ quá trình số hóa và tự động hóa các thủ tục hành chính. Đặc biệt, đây sẽ là nguồn lực lớn để giải quyết vấn đề tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, khi Trung tâm được thành lập, các quy trình hành chính được đơn giản hóa, giúp giảm thiểu tham nhũng và tăng cường minh bạch; người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại một địa điểm duy nhất, giảm chi phí và thời gian di chuyển; chất lượng phục vụ được cải thiện, hỗ trợ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; số hóa các quy trình hành chính giúp quản lý dữ liệu hiệu quả, tăng năng suất lao động.
Trung tâm cũng sẽ thực hiện quy trình nhanh chóng, minh bạch giúp củng cố lòng tin và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; cải thiện năng lực giám sát và đánh giá để kịp thời điều chỉnh hoạt động phù hợp yêu cầu thực tiễn.