Theo phản ánh, PV tìm đến xã Tiền Phong, đoạn hai bờ sông Nhuệ để ghi nhận thực tế. Tại đây, dọc theo hai bên bờ sông ngập rác đủ các loại, mùi khói, mùi rác thải, mùi dòng sông bốc lên quyện vào nhau rất khó chịu, ai đi qua đoạn đường này cũng phải bịt khẩu trang.
Người dân nơi đây cho biết, tình trạng xả và đốt rác đã tồn tại từ nhiều năm nay, một số hộ sản xuất cố tình đổ trộm rác ra hai bờ sông Nhuệ và những bãi rác cứ ngẫu nhiên hình thành rồi tạo ra tiền lệ xấu. Thêm vào đó, người dân ngày ngày chất thêm rác thải sinh hoạt, làm cho những bãi rác cứ lan rộng, lớn dần thêm.
Ông Nguyễn Văn Quả (đội 8, xã Tiền Phong) cho biết: “Rác thải do nhiều làng nghề sản xuất quanh đây, phế liệu sau đó được người dân đổ ra, trong đó chủ yếu là làng Trát Cầu (sản xuất vải). Họ đổ trộm vào ban đêm rồi đốt. Khói bốc cao theo gió bay vào nhà các hộ dân sống quanh đây rất khó chịu, người già nhiều lúc không thở nổi”.
"Trước kia, sông Nhuệ là nơi người dân thường lấy nước sinh hoạt. Còn giờ không khác gì sông Tô Lịch, những ngày mưa, rác thải và tro đốt rác trôi xuống sông, cùng với nước thải nhà máy làm sông ô nhiễm nặng”, dứt lời, tay bà Thu chỉ xuống dòng sông chết.
“Lượng rác quá lớn, mọi người lại đổ tràn lan, nên không thể dọn xuể. Chính quyền xã có treo biển cấm đổ rác và phạt vài trường hợp 200 nghìn đồng, nhưng không hiệu quả”, anh Phạm Văn Lăng, nhân viên vệ sinh môi trường kể.
Theo quan sát của PV, khắp các tuyến đường qua địa bàn xã Tiền Phong đều có những đống rác lớn, nhỏ gây ô nhiễm và mất mỹ quan.
Trao đổi với PV, ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: “Thực trạng này đã tồn tại từ lâu, dù biết rất nguy hại nhưng không đủ kinh phí xử lý. Quỹ đất của xã có hạn, hố chôn lấp không đủ. Đưa rác thải đi xử lý thì mất nhiều kinh phí”.
Như vậy, không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới hết cảnh sống chung với rác.
Đặng Thủy-Đàm Linh