Mang ý nghĩa giao lưu văn hóa giữa hai nước
Nằm trong dự án “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do UN-Habitat phối hợp với quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và UBND quận Hoàn Kiếm triển khai.
Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” gồm 19 bức bích họa sẽ được hoàn thiện tại vòm cầu đường sắt đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là những người dân sinh sống ngay trên con phố này.
Ngày 3/11, hình ảnh những nét vẽ đầu tiên tại cổng vòm trên phố Phùng Hưng thu hút sự hiếu kỳ của người đi đường.
Trong sáng ngày 4/11, có mặt tại phố Phùng Hưng, theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, những người công nhân đang khẩn trương lát vỉa hè bằng đá, bên cạnh đó tháo gỡ những vật cản để quá trình vẽ được thuận lợi.
Cũng theo ghi nhận của PV, trong hai ngày qua, hai bức tranh bích họa đã được các nghệ sĩ Hàn Quốc thực hiện đầu tiên trông vô cùng đẹp mắt.
Chia sẻ với PV, ông Lee Kang Jun, Giám đốc Mỹ thuật chia sẻ lý do tham gia dự án lần này: “Năm ngoái, tôi đã thực hiện một dự án ở Việt Nam là bích họa Tam Thanh và được dư luận đón nhận. Nên năm nay, quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc phối hợp với UN-Habitat phối hợp một dự án nữa tại Hà Nội và lần này tôi tiếp tục tham gia”.
Theo lời chia sẻ của các nghệ sĩ Hàn Quốc, họ vẽ tranh từ sáng sớm cho đến tối mịt, thậm chí có hôm đến 22h30.
“Việc vẽ tranh bích họa lần này mang ý nghĩa giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt – Hàn. Chính vì thế, chúng tôi luôn muốn hoàn thiện tác phẩm của mình một cách tốt nhất, nhanh nhất có thể vì thời gian không cho phép”, ông Lee Kang Jun cho hay.
Ông Lee Kang Jun cũng cho biết thêm, để hoàn thiện một tác phẩm bích họa tại một vòm cầu, các họa sĩ mất từ 7-10 ngày. Đòi hỏi các nghệ sĩ phải có nhiều năm kinh nghiệm mới hoàn thiện được tác phẩm ở mức thời gian nói trên.
Sau khi các tác phẩm được hoàn thiện, điều mà các nghệ sĩ này mong đợi đó chính là được khách du lịch tham quan và người dân Việt Nam yêu thích những bức bích họa mà nghệ sĩ của hai nước cùng phối hợp thực hiện.
Người dân háo hức
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, những người dân sinh sống, gắn bó với con phố Phùng Hưng hàng chục năm qua đã có nhiều tâm tư bày tỏ.
Theo đó, bà Hoàng Phi Phụng (70 tuổi), có thời gian sinh sống tại con phố Phùng Hưng hơn 40 năm qua cảm nhận: “Tôi là một cô giáo dạy Lịch sử, nên tôi hiểu rất rõ về cây cầu Long Biên, cũng như con phố Phùng Hưng. Khi biết được UBND Hà Nội có chủ trương vẽ tranh bích họa trên các vòm cầu, tôi cảm thấy rất đẹp, thay đổi hẳn bộ mặt của khu phố.
Mặc dù mới khởi công, có hai bức gần hoàn thiện nhưng tôi đã thấy rất đẹp rồi. Tôi coi đây là một bước đột phá vừa bảo tồn được di tích lịch sử gợi lại khung cảnh Hà Nội ngày xưa, đồng thời là nơi thu hút khách du lịch tham quan. Tuy nhiên, tôi cũng hơi lo ngại trong khâu cuối cùng đó là bảo quản làm sao cho những bức tranh đó tồn tại mãi với thời gian”.
Chia sẻ thêm với PV, bà Đàm Thị Ngọc Oanh (60 tuổi), hơn 30 năm bán nước trên con phố Phùng Hưng cảm thấy thích thú: “Tôi rất thích dự án này, nó sẽ giúp cho con phố Phùng Hưng trở nên văn minh hơn, thu hút khách không chỉ trong mà còn ngoài nước”.
Sinh ra và lớn lên trên phố Phùng Hưng, ông Nguyễn Văn Ba (65 tuổi), đang mải miết theo dõi những người thợ đang thi công dự án.
Ông Ba bộc bạch: “Mới chỉ xem qua mô hình thôi nhưng tôi đã cảm thấy rất thích thú. Dự án sẽ giúp cho phố Phùng Hưng có một diện mạo mới, vừa giữ được nét cổ kính. Tôi cũng đang rất háo hức mong chờ các tác phẩm bích họa được hoàn thiện để chiêm ngưỡng”.
Được biết, phố Phùng Hưng có 131 cổng vòm, có 4 cổng được đục để phục vụ giao thông, hiện nay còn 127 cổng vòm được chia thành 3 giai đoạn triển khai. Giai đoạn 1 là dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng”.
Giai đoạn 2 tác động đến các cổng vòm từ đoạn phố Phùng Hưng đến phố Hàng Cót (mở vòm để phục vụ không gian văn hoá của Hà Nội). Giai đoạn 3 sẽ tác động vào các cổng vòm từ Cửa Đông đến phố Lê Văn Linh.