Theo thông tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) và Bắc Trung Bộ có mưa. Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét, vùng núi phía Bắc có rét đậm.
8h sáng, thời tiết Hà Nội rét đậm, nhiệt độ hiện tại đang ở 14 độ. Từ hôm qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh, chất lượng không khí ở Hà Nội chuyển biến một cách rõ rệt.
Cụ thể, chỉ số AQI ngày hôm nay 52 ở ngưỡng màu vàng tức chất lượng không khí bình thường, không ảnh hưởng tới sức khỏe mọi người.
Trái ngược với Hà Nội, sáng 5/2, chất lượng không khí ở TP.HCM ở mức kém. Hệ thống quan trắc không khí của Airvisual ghi nhận chỉ số AQI lên đến 127.
TP.HCM xếp hạng về mức độ ô nhiễm không khí đứng thứ 12/96 các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Vì sao mưa làm giảm ô nhiễm không khí?
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia chia sẻ với báo Lao động, ô nhiễm không khí có rất nhiều nguyên nhân, quan trọng nhất là nguồn gây ô nhiễm. Môi trường cũng có tác động bao gồm nhiều yếu tố như gió, độ ẩm cuối cùng mới là nhiệt độ.
Ô nhiễm không khí những ngày qua có thể một phần do nghịch nhiệt. Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao (ngược với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao.
Khi những cơn mưa kéo đến Hà Nội, có thể đánh tan lớp mũ nghịch nhiệt và khối không khí ô nhiễm tích tụ ở tầng mặt, giúp gột rửa bớt lượng bụi trong khí quyển. Nhờ đó, chất lượng không khí được cải thiện.
Hơn nữa, mưa kèm gió góp phần khuếch tán và dàn mỏng lớp ô nhiễm không khí. Gió chính là yếu tố tự nhiên giúp làm sạch ô nhiễm không khí một cách hiệu quả nhất.
Phong Linh