Chiều 13/8 tại buổi giao ban báo chí do Thành uỷ TP.Hà Nội tổ chức, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hà Nội đánh giá như thế nào về kết quả bước đầu của việc thử nghiệm thí điểm làm sạch tại sông Tô Lịch, ông Võ Tiến Hùng - TGĐ Công ty Thoát nước Hà Nội đánh giá, công nghệ nano bioreator của Nhật Bản đang trong quá trình thử nghiệm nhưng bước đầu đã đạt chất lượng tốt, TP. Hà Nội hết sức trân trọng công tác thử nghiệm này.
“Trước đây đã có 5 đơn vị xin nghiên cứu, đánh giá để làm sạch sông Tô Lịch tuy nhiên chưa thành công. Nếu công nghệ nào tốt mà chi phí rẻ thì đương nhiên thành phố sẽ lựa chọn để thực hiện”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2018, Hà Nội đã xoá được 2/16 “điểm đen” về úng ngập. Cụ thể, 2 điểm úng ngập khi xảy ra mưa lớn là đường Giải Phóng - đoạn bến xe phía Nam và phố Nguyễn Chính đã được xoá bỏ, tuy nhiên, hai điểm này vẫn cần phải theo dõi.
Đối với các trọng điểm ngập còn lại như: Phố Đội Cấn, đường Phạm Văn Đồng đã thi công xong các hệ thống thoát nước và khai thác trong quý II/2019 nên không còn tình trạng ngập úng do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua.
Ngoài ra, tại các điểm ngập úng khác như phố Thanh Đàm, Nguyễn Khuyến, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa, phố Trường Chinh… các đơn vị chức năng đã và đang lên kế hoạch, triển khai xây dựng các dự án chống ngập trong thời gian tới.
Đối với điểm ngập úng tại ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, việc giải quyết úng ngập tại khu vực này gắn liền với việc di chuyển, hoàn trả hạ tầng của Nhà ga S12 thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội đang trong quá trình triển khai thi công. Do đó, tình trạng úng ngập vẫn xảy ra và chỉ được cải thiện khi công trình Nhà ga S12 hoàn thành, bàn giao lại mặt bằng.
Đối với các điểm ngập úng như: phố Cao Bá Quát (đoạn trước cửa Công ty Môi trường Đô thị); ngã ba La Pho – Thụy Khuê; phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); đường Ngọc Lâm (từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường Đô thị Gia Lâm); phố Hoàng Như Tiếp (đoạn từ trường tiểu học Ngọc Lâm đến nút Hoàng Như Tiếp – Ái Mộ) sẽ tiếp tục là trọng điểm ngập mùa mưa năm 2019 do các dự án đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước chưa được triển khai thi công.
Theo lãnh đạo sở Xây dựng, đối với các điểm này, sở đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tăng cường lực lượng duy trì, bố trí lực lượng ứng trực khi xảy ra mưa bão.
Video: Nguyên nhân khiến Hà Nội cứ mưa là ngập úng
Nói về nguyên nhân khiến mỗi mùa mưa lũ các khu vực ở Thủ đô lại trở nên ngập úng lâu ngày, ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5 km2, còn lại các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt nên tồn tại ngập úng xảy ra khi mưa lũ lớn.
Ngoài ra, các trạm bơm tiêu chính và công trình đầu mối kèm theo như trạm bơm Liên Mạc là 90m3/s, trạm bơm Đông Mỹ 60m3/s, trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối chưa được đầu tư xây dựng, trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/s đã lắp đặt hoàn thiện nhưng chưa phát huy được hiệu quả do hệ thống kênh xả, kênh dẫn chưa được đầu tư đồng bộ (mới vận hành tối đa 2/10 tổ máy).
Sông Nhuệ chưa được cải tạo, nạo vét và kè mái nên nhiều đoạn bị bồi lắng, lấn chiếm dẫn tới co thắt dòng chảy cũng là nguyên nhân chính không đảm bảo được công tác thoát nước cho thành phố.