Theo phản ánh của người dân sinh sống gần khu vực đê Bắc Đuống thuộc xã Dương Hà (Gia Lâm – Hà Nội), dịp gần Tết âm lịch Đinh Dậu, dải taluy đường đê dài khoảng 50 mét chạy qua xã đã đổ vật ra sườn đê sau khi bị một chiếc ô tô con va chạm nhẹ.
Đáng chú ý, sau khi đoạn taluy bị đổ thì nhiều người dân địa phương giật mình phát hiện những cọc gỗ được nhét trong trụ taluy lòi ra ngoài. Nhiều người dân sau đó xôn xao đặt nghi vấn cho rằng chất lượng công trình giao thông này có vấn đề (?).
Theo người dân, sau khoảng 1 tháng gãy đổ, cách đây vài hôm đã có một nhóm công nhân đến hiện trường chôn lấp, dựng lại những thanh taluy này. Tuy nhiên, cách chôn lấp taluy rất sơ sài khiến nhiều người sống tại khu vực không khỏi lo lắng về nguy cơ tai nạn giao thông do đoạn ta luy gây nên.
Ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin sáng 10/2, đoạn taluy này dài khoảng 50 mét được chôn lấp khá sơ sài. Thay vì được đổ bê tông, chôn cọc kiên cố thì mỗi cọc taluy chỉ có một khối bê tông cũ dày khoảng 20cm, sau đó kê bằng những viên gạch và bê tông vụn nối xuống nền đất đê. Cá biệt có một vài trụ được xây tiếp nối bằng những viên gạch nung xi măng.
Trụ tatuy do không được chôn lấp cẩn thận khiến chỉ cần dùng tay chạm nhẹ là cả tuyến taluy rung lắc mạnh, thậm chí có nguy cơ đổ ập xuống sườn đê. Đặc biệt, tại dải taluy cũ bị hỏng vứt lại sườn đê, bên trong một số cọc sắt, dưới lớp bê tông còn lòi ra những thanh gỗ mục.
Một số người dân địa phương cho biết, tình trạng taluy mất an toàn tồn tại từ trước đó và vụ tai nạn ô tô đâm vào làm taluy đổ gãy chỉ là “giọt nước làm tràn ly”.
“Chúng tôi không thể yên tâm khi taluy được chôn sơ sài thế này. Dùng tay rung mạnh là có thể đổ, đặc biệt khu này lại gần dốc đê có nhiều người qua lại”, anh H. một người dân khu vực bức xúc phản ánh. Cũng nói về tình trạng trên, một số người dân địa phương lại thắc mắc về việc lõi gỗ nhét trong thanh taluy.
Sáng cùng ngày, trao đổi với PV, ông Lê Văn Hiển – Trưởng Công an xã Dương Hà xác nhận tình trạng taluy sập đổ trước dịp Tết. Theo ông Hiển, vụ việc do chiếc xe con va vào taluy nhưng không khiến ai bị thương mà chỉ khiến các thanh taluy bị đổ.
Nói về tình trạng taluy bị chôn lấp sơ sài gây mất an toàn giao thông, Trưởng Công an xã Dương Hà xác nhận việc taluy chôn lấp rất nông. Theo ông Hiển, dù không phải công trình do xã làm nhưng xã cũng dự kiến chôn thanh sắt cạnh cột trụ taluy, sau đó hàn cố định để giữ dải taluy được chắc chắn hơn.
Về hiện tượng cọc gỗ nhồi nhét dưới taluy, ông Hiển cho rằng, khả năng các thanh gỗ nhằm để cắm sâu xuống lòng đất đê để đảm bảo độ cân bằng của các điểm phản quang tại taluy này.
“Taluy này làm từ 2015, chiều dài khoảng trên 70m, chúng tôi cũng dự định lấy máy khoan làm đai hàn giữ cho cột này không đổ”, ông Hiển nói.
Trao đổi với PV, ông Lê Anh Quân - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, đây là công trình an toàn giao thông do Sở GTVT Hà Nội quản lý. Cũng theo lãnh đạo huyện Gia Lâm và xã Dương Hà, khi công trình được thi công thì địa phương cũng không được thông báo.
Trong khi đó, trả lời báo chí, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng: "Tuyến đường này mình quản lý, do sạt lở taluy khoảng 30m hộ lan bị nghiêng, chiều nay, GT3 đã khắc phục xong rồi".
Tuy nhiên, hãy xem hình ảnh PV ghi nhận dưới đây để xem dải taluy như thế nào vào sáng 10/2.
Nhất Nam