Video:
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 15h ngày 21/2, thế giới đã ghi nhận 76.729 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), trong đó có 2.247 trường hợp tử vong (cụ thể tại: Trung Quốc có 2.236 trường hợp; 11 trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc gồm: Nhật Bản (3); Iran (2); Hồng Kông (2); Hàn Quốc (1); Đài Loan (1); Pháp (1); Phillippines (1). Bệnh đã xâm nhập sang 29 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc.
Hiện nay, trên cả nước, tính đến 15h ngày 21/2 đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với Covid-19 tại Vĩnh Phúc (11), Thành phố Hồ Chí Minh (03), Khánh Hòa (01), Thanh Hóa (01). Đã có 15 trường hợp khỏi bệnh và xuất viện, còn 01 trường bệnh nhân người Việt Kiều vẫn đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh do một số bệnh lý nền kèm theo (đã xét nghiệm âm tính 5 lần). Từ ngày 13/2 tới nay chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.
Chiều 21/2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, sở Y tế trình bày về việc đưa ra đề xuất cho học sinh nghỉ học, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã nhấn mạnh rằng, việc cho học sinh nghỉ học cần phải có căn cứ, không thể theo phong trào.
"Cho học sinh nghỉ học cần phải có căn cứ, không thể theo phong trào", Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh khẳng định.
“Trong 2 ngày vừa qua, toàn bộ các hệ thống chính trị đều thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19. Hiện chúng ta vẫn còn 62 trường hợp được cách ly tại các bệnh viện, và hơn 400 trường hợp phải cách ly tại các cộng đồng. Tôi yêu cầu các sở ban ngành khi đưa ra đề xuất cho học sinh nghỉ học thì cần phải có căn cứ để thuyết phục, không thể đi theo phong trào. Mục tiêu của chúng ta là không để 1 trường hợp nào lây nhiễm chéo trên địa bàn, và quan trọng là phải đảm bảo sức khoẻ cho người dân, học sinh, sinh viên”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
“Trên cơ sở tình hình thế giới, trong nước, đặt vấn đề sức khoẻ của học sinh, sinh viên và người dân là quan trọng và kiểm tra lại điều kiện và nguyện vọng của đại bộ phận giáo viên, phụ huynh học sinh, Hà Nội quyết định sinh viên học sinh trên địa bàn thành phố nghỉ hết tháng 2, tức là nghỉ tới ngày 1/3. Ngày 2/3 các trường phải chuẩn bị đảm bảo các điều kiện để các cháu đi học trở lại bình thường”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Ông Ngô Văn Quý - PCT UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện thành phố vẫn có nguy cơ do dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, Hà Nội vẫn còn trường hợp phải giám sát và là địa bàn giáp ranh với Vĩnh Phúc, nơi có nhiều người mắc bệnh. Qua thăm dò trực tiếp và qua mạng xã hội của một số trường trên địa bàn, 85% giáo viên và 95% phụ huynh đề nghị tiếp tục cho học sinh nghỉ hết tháng 2.
Trước đó ngày 14/2, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành xem xét cho học sinh nghỉ hết tháng 2. Từ tình hình thực tế, Bộ sẽ điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học 2019-2020.
Hầu hết địa phương đã điều chỉnh lịch nghỉ học của học sinh đến hết tháng 2, đi học trở lại vào đầu tháng 3. Riêng TP.HCM ngày 20/2 đã có văn bản tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng bộ GD&ĐT kiến nghị cho học sinh nghỉ học hết tháng 3, học kỳ II từ tháng 4 đến tháng 7, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra cuối tháng 7, chậm hơn một tháng so với năm 2019.