Hà Nội: Hơn 10 ca mắc tay chân miệng biến chứng nặng, cha mẹ cần làm gì?

Hà Nội: Hơn 10 ca mắc tay chân miệng biến chứng nặng, cha mẹ cần làm gì?

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 4, 03/10/2018 18:15

Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận hơn 10 ca bệnh tay chân miệng nhiễm chủng EV71 có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng.

Ca bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng

PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) - cho biết từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, nhiều ca biến chứng khác hơn so với mọi năm có liên quan đến các vấn đề về nhiễm trùng thần kinh trung ương.

Cũng từ đầu năm đến nay, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 10 trường hợp nhiễm chủng EV71 trong tổng số hàng trăm trường hợp nhập viện do tay chân miệng.

Theo PGS. Điển, nhóm mắc virus EV không nhiều, đặc biệt là EV71. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn.

Sức khỏe - Hà Nội: Hơn 10 ca mắc tay chân miệng biến chứng nặng, cha mẹ cần làm gì?

Số ca trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh. Ảnh: TTXVN.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng nên và không nên ăn gì?

Ngay sau khi phát hiện trẻ có những biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng thì việc đầu tiên, cha mẹ nên làm là hãy đưa trẻ đến bệnh viện gặp bác sĩ để xin tư vấn, nếu nhẹ có thể đưa con về tự chăm sóc tại nhà. Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Hoa, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hướng dẫn cách cho con ăn uống trong thời gian trẻ mắc bệnh.

Cha mẹ chú ý nên cho trẻ ăn những món mà trẻ thích; ăn thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm như cháo, bột (kể cả trẻ lớn) vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng; nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày; thức ăn nên thật nguội, thậm chí có thể làm mát cho dễ ăn; có thể thay một bữa ăn bằng một hũ sữa chua hay một ly sữa mát.

Khi trẻ đã từ chối không ăn thì cha mẹ nên ngưng ngay và bù vào bằng một ly sữa lạnh, một bánh flan, một hũ sữa chua hoặc một ly nước trái cây lạnh.

Sau khi ăn, súc miệng trẻ sạch sẽ và để nghỉ ngơi (nhịn hoàn toàn) trong 3 – 4 giờ. Sau đó mới cho ăn bữa khác. Cho trẻ uống bổ sung vitamin và khoáng chất và cả kẽm theo chỉ định của bác sĩ.

Cho trẻ ăn đủ bữa (3 –5 bữa trong ngày), đủ dinh dưỡng (bột, đạm, dầu, rau), ăn nhiều trái cây sạch sau khi ăn cháo, bột để tăng cường vitamin và yếu tố vi lượng.

Với trẻ còn bú mẹ cần cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều như lúc khỏe mạnh. Khi trẻ hồi phục và hết các vết loét gây đau trong miệng, cần động viên trẻ ăn uống bình thường trở lại.

Đặc biệt, cha mẹ không nên ép trẻ ăn, vì sau khi hết bệnh trẻ sẽ ăn nhiều hơn để bù lại khi bị bệnh, cũng không ép trẻ ăn nhiều một lúc vì sẽ gây cảm giác khó chịu. Với trẻ nhỏ ép ăn sẽ khiến cho trẻ khóc và gây mệt mỏi. Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn những thức ăn cứng, sống, mất vệ sinh. Lưu ý, cha mẹ không cho trẻ ăn thức ăn nóng sẽ làm trẻ đau không nuốt được. Không kiêng khem thực phẩm gì khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) và cho trẻ quay trở lại chế độ dinh dưỡng hợp với lứa tuổi.

Cách chăm sóc để trẻ không bị biến chứng nguy hiểm?

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sốt hay nổi bóng nước ở bàn tay bàn chân, nên đưa trẻ đi khám ngay. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ ngay với trẻ lành, khử khuẩn môi trường xung quanh, hạn chế tối đa khả năng lây lan bệnh tạo nên ổ dịch.

Nếu trẻ đang đi học, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ học và còn cần thông báo cho trường học để nhà trường cũng có biện pháp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp kịp thời. Nếu bác sĩ xác định bệnh ở thể nhẹ thì cho bé về nhà theo dõi và nhất thiết phải tái khám theo lịch hẹn. Nếu bác sĩ cân nhắc thấy cần nhập viện, hãy nhập viện ngay để trẻ được theo dõi trong môi trường bệnh viện.

Dù được về nhà cũng phải theo dõi trẻ và khám lại ngay nếu có dấu hiệu trở nặng. Đặc biệt theo dõi giấc ngủ và cơn giật mình ở trẻ, nếu có. Đây là hai dấu hiệu quan trọng cho thấy trẻ bị biến chứng nặng. Những cơn giật mình thường xuất hiện khi trẻ thiu thiu ngủ, nhưng cũng có lúc trẻ giật mình khi hoàn toàn đang tỉnh táo, đang chơi đùa.

Không nên kiêng tắm, ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn, nên vệ sinh răng lưỡi cho trẻ hằng ngày. Với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối.

Sau khi chơi đùa, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, phụ huynh cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng sạch khuẩn. Nhắc nhở con em mỗi khi con đưa tay hoặc cho đồ chơi vào miệng. Vệ sinh nhà cửa, các vật dụng thường xuyên. Tối thiểu 1 lần/tuần. Nếu bé đã đủ tuổi đi lớp, phụ huynh nên kết hợp với giáo viên vệ sinh sạch sẽ lớp học, nhà vệ sinh và các vật dụng, đồ chơi các bé chơi.

Phong Linh (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.