Báo cáo tại hội nghị chuyển đổi số ngành y tế Hà Nội năm 2024 ngày 30/5, ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, với 6 nhiệm vụ của Đề án 06 trong về lĩnh vực y tế gồm: khám chữ bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp; “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19; liên thông dữ liệu kết quả khám sức khỏe lái xe; liên thông dữ liệu giấy báo tử, giấy chứng sinh; khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học (Kiosk tự phục vụ) và thí điểm hồ sơ sức khỏe (HSSK), sổ sức khỏe điện tử, đến nay Thành phố đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng theo đúng lộ trình, tiến độ đề ra.
Theo đó, tính từ ngày 1/1/2024 đến nay, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin. Liên thông và ký số thành công khoảng 196 nghìn hồ sơ lên Cổng giám định bảo hiểm y tế.
Đối với việc triển khai HSSK điện tử, sổ sức khỏe điện tử, Thành phố đã khởi tạo HSSK điện tử của hơn 9 triệu người dân; chuẩn hóa thông tin trên hệ thống cho 7,75 triệu người; hơn 6,16 triệu người được cập nhật bổ sung thông tin căn cước công dân; hơn 4,3 triệu người dân được cập nhật bổ sung số thẻ bảo y tế.
Thành phố cũng hoàn thành việc cấp 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống; tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế. Đến nay, thành phố đã đồng bộ được gần 3,3 triệu HSSK của người dân lên Cổng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên Ứng dụng VneID.
Theo đó, ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh, 5 bệnh viện của ngành y tế Hà Nội đã triển khai hiệu quả bệnh án điện tử gồm: Phụ sản Hà Nội, đa khoa Xanh Pôn, đa khoa Mỹ Đức, đa khoa Vân Đình và đa khoa Hòe Nhai. 5 bệnh viện triển khai khám chữa bệnh từ xa gồm Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo Đề án 06 Thành phố để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng kết quả tích cực trong triển khai HSSK điện tử và chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, kết quả này ghi nhận sự đóng góp lớn của ngành y tế Thủ đô. Hội nghị tiếp tục là cơ hội, là diễn đàn để lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, thời gian tới chuyển đổi số là quá trình liên tục không có điểm dừng mà trước hết bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, xác định rõ những vấn đề cần ưu tiên và quyết tâm thực hiện thì việc chuyển đổi số mới tạo hiệu quả cao.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội đề nghị ngành y tế cần tập trung nghiên cứu 3 vấn đề gồm quy hoạch ngành và chiến lược của ngành trong thực hiện chuyển đổi số; xây dựng quy chế và quy trình, đặc biệt là quy trình phối hợp liên thông trong ứng hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện một cách quy chuẩn, bài bản việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Từ đó tích hợp được các kế hoạch, nhiệm vụ triển khai, tiết kiệm nguồn lực và thời gian.
“Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số phải song hành, hỗ trợ và thúc đẩy cùng phát triển. Đơn cử như số hóa phim chụp góp phần lớn trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Đây chính là chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất, hiệu quả nhất và khoa học nhât”, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội đề nghị ngành y tế tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố.