Hà Nội khoán xe công 9 triệu đồng/tháng: Sở, huyện có ủng hộ?

Hà Nội khoán xe công 9 triệu đồng/tháng: Sở, huyện có ủng hộ?

Nguyễn Văn Báo

Nguyễn Văn Báo

Thứ 5, 29/12/2016 16:40

Chủ trương thí điểm khoán xe công ở Hà Nội được nhiều đơn vị đồng lòng ủng hộ vì cho rằng mang lại nhiều thuận lợi cũng như để tiết kiệm ngân sách.

9 triệu đồng/tháng hay 13 ngàn/km? 

Sở Tài chính Hà Nội vừa đề xuất về việc thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công áp dụng từ 1/1/2017, tại 8 đơn vị. Các đơn vị này gồm 4 Sở, 4 quận huyện.

Có 2 phương án khoán xe công được Hà Nội đưa ra gồm: Một là khoán theo đầu xe khoảng 9,3 triệu đồng/tháng; Hai là khoán chi phí di chuyển khoảng 13 ngàn đồng/km. Thời điểm thực hiện thí điểm từ 1/1/2017 và triển khai trên toàn thành phố từ 1/7/2017. Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Phạm Công Bình - Phó giám đốc sở Tài chính Hà Nội cho biết: "Dự kiến là như vậy và còn chờ được UBND thành phố phê duyệt".

Trả lời về việc mức khoán 9 triệu đồng/xe/tháng là cao hay thấp, ông Bình cho hay, việc này đã được nghiên cứu và tính toán. Bình luận về việc này, một chuyên gia kinh tế cho hay: "Việc đưa ra mức giá cần so sánh với các nơi, căn cứ vào mức thuế, quãng đường...". Cũng theo chuyên gia này, chủ chương áp dụng khoán xe công sẽ tiết kiệm được chi phí lớn cho ngân sách cũng như biên chế khi cắt giảm đáng kể đội ngũ lái xe.

Xã hội - Hà Nội khoán xe công 9 triệu đồng/tháng:  Sở, huyện có ủng hộ?

Nhiều đơn vị đồng tình ủng hộ việc khoán xe công ở TP. Hà Nội - (Ảnh minh họa: Internet).

Chủ trương khoán xe công của TP. Hà Nội hầu hết được các đơn vị thực hiện thí điểm ủng hộ. Hầu hết các đơn vị đều cho rằng việc khoán xe công sẽ mang nhiều thuận lợi, chủ động cho công việc và đặc biệt là tiết kiệm ngân sách.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Anh Quân - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, đơn vị hoàn toàn chấp hành chủ trương này của TP. và việc khoán xe công là chủ trương đúng đắn nhằm tiết kiệm ngân sách.

Theo ông Quân, huyện chỉ có khoảng 4 xe công, trong đó nhiều xe đã quá niên hạn xử dụng. “Đi làm thì tất nhiên phải đi bằng xe nhưng việc khoán xe công sẽ giúp cán bộ chủ động trong việc tiết kiệm, tăng thu nhập. Nếu mình không lái thì có thể hợp đồng thuê một đơn vị nào đó họ chở, vừa việc công việc tư cũng không bị ảnh hưởng. Nhiều khi đi xe biển xanh mà làm việc riêng thì không được nhưng có phải lúc nào đang đi xe công mà chuyển ngay được sang xe tư đâu?”, ông Lê Anh Quân phân tích về những lợi thế khi áp dụng khoán xe công.

Quan trọng hơn, ông Quân cho rằng, khoán xe công là chủ trương đúng đắn nhằm thực hiện tiết kiệm cho ngân sách. “Nhiều xe quá hạn sử dụng thường xuyên phải sửa chữa, bảo dưỡng, chi phí hao mòn, hỏng hóc rất vất vả và tốn tiền. Biên chế, tiền lương cho anh em lái xe cũng được giảm từ đó tiết kiệm ngân sách”, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nhấn mạnh.

Điều chuyển lái xe dư thừa

Trước 2 phương án lựa chọn thí điểm khoán xe công như đề cập, ông Lê Anh Quân cho biết, tại cuộc họp giữa quận huyện với TP. Hà Nội về chủ trương này, đơn vị đã lựa chọn phương án khoán gọn (tức mức gần 9,3 triệu/xe/tháng - PV) thay vì phương án tính 13 ngàn đồng/km. Ông Quân cho hay, hiện tại đơn vị vẫn chờ văn bản quyết định chính thức của TP để thực hiện chủ trương này. Đơn vị đề xuất đã khoán thì khoán cả quận ủy, ủy ban cho đồng hộ và đang chờ văn bản ban hành.

Cũng theo tiết lộ của Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, trong cuộc họp với TP thì huyện cũng đề xuất cắt giảm và chuyển những lái xe dư thừa sang các đơn vị sự nghiệp khác.

Cũng liên quan đến đề xuất thí điểm trên, một lãnh đạo sở LĐTB&XH Hà Nội chia sẻ với PV rằng đơn vị ủng hộ chủ trương này của TP.

Đại diện một đơn vị thực hiện thí điểm khoán xe công tới đây của TP cũng tiết lộ, trong cuộc họp của thành phố về thí điểm khoán kinh phí, hầu hết các đơn vị đã cơ bản đồng ý phương án chọn khoán 9 triệu đồng/xe/tháng và chỉ còn chờ văn bản chính thức để thực hiện. Chia sẻ vấn đề này với PV, lãnh đạo quận Hà Đông cũng cho rằng, chủ trương khoán kinh phí xe công là hợp lý và về cơ bản và quận sẽ triển khai ngay khi có lệnh.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo cho rằng, việc đánh giá hiệu quả còn phải chờ thực tiễn chứng minh. “Đúng là việc áp dụng khoán xe công thì sẽ tiết kiệm xe cũng như số lái xe, ưu điểm và thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn. Nếu tính quy định mức lương thì đến nay ở quận có mỗi đồng chí Chủ tịch đạt tiêu chuẩn để sử dụng. Nhưng nếu để thực hiện được theo đúng chủ trương của TP thì cơ sở phải tính toán để vừa thực hiện tốt chủ trương của TP vừa đảm bảo được công việc của cơ sở”.

Được biết, trước đó, Bộ Tài chính đã thực hiện khoán kinh phí đưa đón xe công từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh từ Tổng cục trưởng trở lên. Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được xác định theo công thức: Mức khoán đưa đón = đơn giá khoán x số km khoán x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng. Mức khoán cao nhất một Thứ trưởng nhận được cho khoảng cách 15 km là 9,9 triệu đồng, mức thấp nhất đối với là 4 triệu đồng. Tổng cộng mức chi khoán 6 Thứ trưởng bộ Tài chính khoảng 44 triệu đồng/tháng.

Khoán xe công làm cán bộ gần dân hơn

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, lợi ích của việc khoán xe công mang lại không chỉ về tiết kiệm mà còn là hình ảnh thân thiện giữa cán bộ và nhân dân.

"Đi xe công thì cán bộ suốt ngày chỉ nói chuyện với 1 người lái xe. Khoán xe công thì có thể nay anh đi taxi, mai anh đi Uber nói chuyện với nhiều tài xế, từ đó sẽ gần dân nhiều hơn, hiểu cuộc sống nhân dân hơn", ông Thuận chia sẻ.

Phân tích thêm về lợi ích khoán xe công, luật sư Thuận nói: "Ví dụ để đưa đón 1 cán bộ chiếc xe phải chạy từ nơi này lên nơi khác để đón, trong khi đưa đón xong thì lại ngồi đó chờ. Nếu khoán xe công thì chỉ phải bỏ tiền 1 lần đi, 1 lần về đỡ tốn thời gian, chủ động hơn trong công việc".

Theo ông Thuận, có nhiều chế độ khoán xe công đi lại khác nhau. Việc khoán lộ trình đi hàng ngày thì gọi là khoán đi lại, còn đối với chức danh có xe riêng thì là khoán chế độ xe riêng, khoán đầu xe. Mức khoán áp dụng phải căn cứ vào cơ sở đó để tính toán cho phù hợp.

“Ví dụ: Người có chế độ xe công đưa đón hàng ngày (tức mức lương 1,2) thì nay người ta tự lấy tiền đó dùng để đi lại. Hay chế độ khoán đi công tác là người chỉ sử dụng xe đi công tác, họp hành như mỗi tháng đi từ huyện lên TP. họp là bao nhiêu lần, đi công tác ở những đâu… từ đó để tính ra mức khoán”, ông Thuận phân tích.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc khoán xe công là tùy thuộc từng nơi, từng ngành.

“Ví dụ ở Bộ tài chính việc áp dụng khoán xe công là mức lương từ 1,2 nhưng ở nơi khác thì lại khoán mức lương khác”, luật sư cho hay.

Nhất Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.