Thu ngân sách lần đầu vượt 500.000 tỷ đồng
Chiều ngày 11/12, tiếp tục chương trình kỳ họp 20 của HĐND Thành phố Hà Nội, liên quan đến các nội dung về kinh tế - xã hội được cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2024, kinh tế Thủ đô Hà Nội dự kiến duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, ước đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ đạt 6,27%).
Thu ngân sách lần đầu tiên vượt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 24,6% tổng thu cả nước. Trong đó, thu nội địa đạt khoảng 470 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 29,8% tổng thu nội địa cả nước
"Đạt được mức tăng trưởng 6,52% trong năm nay là kết quả của nỗ lực chung, sự quyết tâm cao, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Về công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Các công trình lớn được hoàn thành, trong đó điển hình là vận hành dự án đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội trong năm 2024. Dù trước đây công trình này tưởng chừng như "vỡ trận", nhưng nhờ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành và sự nỗ lực của thành phố, tuyến đường sắt trên cao đã chính thức được vận hành thương mại.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, lần đầu tiên Thành phố thu ngân sách vượt 500 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, Hà Nội tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng đủ 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 8 cầu và cải tạo cầu Long Biên; sẽ tiếp tục xây dựng mới 9 cầu. Hiện nay, đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc), đồng thời đang tập trung chỉ đạo để sớm quyết định chủ trương đầu tư đối với 3 cầu gồm: cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi.
Theo kế hoạch, bằng việc áp dụng Luật Thủ đô mới, một số cây cầu quan trọng như cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi sẽ được khởi công trong nửa đầu năm 2025.
Dứt khoát phải hiện đại, dứt khoát phải sạch
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho hay, vấn đề môi trường trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, Thành phố Hà Nội sẽ phát động phong trào "sạch" của Thành phố để xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, đặc biệt là trong các quận nội đô lịch sử; làm sao để sạch từ ý thức đến hành động của từng người dân.
Về nước sạch, ông nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố sẽ được kết nối với mạng lưới cấp nước sạch, chứ không phải 100% người dân được sử dụng nước sạch.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng khẳng định: "Đến năm 2025, chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu này. Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề chuyên sâu để giải quyết vấn đề nước sạch một cách hiệu quả và triệt để."

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh sự cấp thiết của việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch, bởi đây là dòng sông mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa, đòi hỏi trách nhiệm bảo vệ và khôi phục.
Ông cho biết, do nước thải đã được xử lý không xả vào sông, trong mùa khô, sông Tô Lịch có nguy cơ cạn đáy. Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai giải pháp trong tình huống khẩn cấp, với mục tiêu bổ cập nước cho sông Tô Lịch trước ngày 2/9 năm sau.
Chủ tịch UBND Thàh phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng thông tin rằng kế hoạch bổ cập nước Hồ Tây về sông Tô Lịch đang được hoàn thiện, sau khi các sở, ngành, chuyên gia cùng các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị đê điều khảo sát tuyến và hướng cụ thể. "Hiện chỉ còn triển khai thực hiện để tạo đà xử lý các dòng sông còn lại," ông nói.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ thí điểm mô hình thu gom rác hiện đại, chấm dứt tình trạng sử dụng xe đẩy thủ công giữa lòng Thủ đô văn minh, hiện đại. "Dứt khoát phải hiện đại, dứt khoát phải sạch," ông khẳng định.

Chủ tịch UBND Thàh phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin kế hoạch bổ cập nước Hồ Tây về sông Tô Lịch.
Cũng theo Chủ tịch Trần Sỹ Thanh, sau khi HĐND Thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về vùng phát thải thấp tại kỳ họp này, UBND Thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu phương án để có chương trình giảm thiểu xe máy chạy bằng xăng, dầu trong khu vực phát thải thấp.
"Thành phố sẽ làm việc với các nhà sản xuất có chương trình giảm giá, hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe máy mới, hoặc xe điện để giảm thiểu ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.
Người đứng đầu UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh công tác làm "sáng, xanh, sạch, đẹp" Thủ đô cần sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời kêu gọi mỗi người dân, doanh nghiệp cùng chung tay với thành phố để làm thay đổi diện mạo, bộ mặt của Thủ đô.