Phụ huynh trắng đêm xếp hàng nộp hồ sơ cho con, Giám đốc Sở GD khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học
Rạng sáng 5/7, rất đông phụ huynh đã có mặt và vây kín cổng Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa) với mong muốn giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Được biết, nhiều người trong số họ đã có mặt ở đây từ lúc 19h tối 4/7, mang theo ghế nhựa và nước uống ngồi xuyên đêm xếp chỗ chờ trời sáng. Ghi nhận của Công an nhân dân, 10h50 phút sáng 5/7, khu vực cổng Trường THPT Hoàng Cầu vẫn là đông kín phụ huynh xếp hàng ngồi chờ. Để giải tỏa áp lực cho phụ huynh, thay vì sẽ nhận hồ sơ bằng với chỉ tiêu nhà trường, năm nay Ban Giám hiệu Trường THPT Hoàng Cầu đã tiếp nhận hết hồ sơ cho phụ huynh đến nộp sau đó mới xét tuyển. Việc xét tuyển sẽ được nhà trường thực hiện theo nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu.
Trước đó, cảnh tượng xếp hàng xuyên đêm còn xảy ra với Trường THPT Tạ Quang Bửu, Trường THPT Phan Huy Chú,... Đa số trường xảy ra tình trạng phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm để nhập học cho con là trường tư thục hoặc trường công tự chủ.
Liên quan đến vấn đề này, theo Dân Trí, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND Tp. Hà Nội chiều 5/7, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết sáng cùng ngày, ông đã tiếp nhận thông tin về việc ở một số trường THPT, nhiều phụ huynh xếp hàng từ sáng sớm nhưng cuối cùng vẫn không lấy được suất học cho con em, dẫn tới bức xúc.
"Nhưng chúng tôi khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học. Chỉ có điều, một số trường có uy tín đào tạo tốt nên phụ huynh tin tưởng gửi gắm, bằng mọi giá, bằng mọi cách xếp hàng từ rất sớm để con có suất vào trường học", ông Cương nói và khẳng định Sở GD&ĐT đã có sự chấn chỉnh về việc này.
Lỗi do phụ huynh hay thiếu trường?
Mặc dù giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định không thiếu chỗ học, song nhiều phụ huynh cho biết có mong muốn cho con học trường công lập. Và một thực tế nữa là nhiều phụ huynh có con trượt vào lớp 10 công lập cũng không thể tìm được trường tư như ý.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Phạm Tuấn, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, con anh đăng ký nguyện vọng vào THPT Đông Mỹ, THPT Nguyễn Quốc Trinh và THPT Nguyễn Trãi cùng thuộc huyện Thanh Trì nhưng tiếc là trượt cả 3 nguyện vọng này.
Mặc dù nhanh chóng mang hồ sơ đến một trường tư thục để nộp nhưng nhà trường thông báo hết chỉ tiêu và hồ sơ con anh phải nằm chờ. Bất cập hơn, ngoài trường này anh Tuấn không còn lựa chọn nào khác. Được biết, huyện Thanh Trì có 4 trường công lập và 2 trường tư thục là THPT Lê Thánh Tông và THPT Lương Thế Vinh. Tuy nhiên, chỉ có trường THPT Lê Thánh Tông là phù hợp với tiêu chí của gia đình anh Tuấn. Vì vậy, dù không muốn nhưng anh Tuấn phải chuyển hướng cho con học trường cao đẳng nghề.
"Tôi mong Hà Nội mở thêm trường công cho học sinh, phụ huynh đỡ vất vả. Sở GD&ĐT cũng nên tạo điều kiện linh động tăng thêm chỉ tiêu cho các trường tư thục chứ không giới hạn như hiện nay, học sinh không đỗ không biết đi đâu về đâu", anh Tuấn chia sẻ.
Là phụ huynh có con trúng tuyển vào lớp 10 công lập ở Hà Nội, chị Bùi Thanh Loan (Cầu Giấy) cảm thấy thương cho những đứa trẻ “phải gánh trên vai nhiều kỳ vọng” nhưng lại không đạt kết quả như mong muốn.
“Những đứa trẻ ấy quả thực rất tội. Còn phụ huynh ngay sau khi biết điểm chuẩn lại tiếp tục bắt đầu cuộc chiến mới: chạy đôn chạy đáo ở cổng trường tư”.
Trên chặng đường đồng hành cùng con, chị Loan nhận thấy với không ít gia đình, con cái vất vả 4 phần, cha mẹ phải chật vật tới 6 phần để con có một chỗ học.
“Từ mấy tháng trước, nhiều gia đình đã đăng ký vào các trường tư để đề phòng nếu con trượt trường công lập, mỗi trường mất tới 5 – 6 triệu đồng. Đến khi thi xong lớp 10, con không may mắn đỗ, phụ huynh lại tiếp tục “chạy đua” đóng tiền để được nhập học trường tư. Đôi khi, chỉ cần chậm chân cũng “hết suất”, vì mỗi trường chỉ lấy khoảng 200 – 300 chỉ tiêu”.
Chung cư mọc lên như nấm, dân số tăng nhanh, trong khi số lượng trường công ít ỏi… theo chị Loan, đó là những lý do khiến các kỳ thi đầu cấp năm nào cũng giống như những “cuộc chiến”. “Trước đây, thi đỗ vào lớp 10 công lập là chuyện đương nhiên, còn đỗ đại học mới là cao thủ. Giờ đây, đỗ đại học dễ hơn thi lớp 10 gấp nhiều lần. Không vào được các trường công lập, học sinh không có nhiều lựa chọn, nhất là khi học phí của các trường tư hiện nay đa phần cao hơn rất nhiều so với thu nhập người dân”, chị Loan nói với VietNamNet.
Anh Nguyễn Hải Phong (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đồng tình: “Hà Nội nói rất nhiều về việc thiếu trường lớp. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu không đỗ trường công lập có thể cho con học tại các trường tư thục. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện, đủ khả năng kinh tế để chi trả mức học phí đắt đỏ tại các trường tư. Nhiều quận huyện kêu khó vì thiếu đất xây trường, nhưng các dự án chung cư vẫn mọc lên như nấm, người dân từ khắp nơi đổ về cư trú, làm ăn, nhưng trường học lại không xây thêm”.
Chị Hoàng Thanh Dung (Đống Đa, Hà Nội) cũng băn khoăn, Hà Nội có không ít dự án bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí, trong khi đó trường học lại thiếu. Có 2 con học cấp THPT và tiểu học, chị Dung cho rằng, áp lực trường lớp không phải vấn đề của riêng cấp học nào.
"Sĩ số theo quy định của Bộ GD&ĐT là một chuyện, nhưng thực tế tại các lớp học cao hơn rất nhiều. Sĩ số lớp học đông không chỉ khiến không gian học tập chật chội, mà thầy cô cũng khó có thể sát sao đến từng học sinh. Liệu chất lượng giáo dục có được đảm bảo”, chị Dung bày tỏ lo ngại với VOV.
Phân tích về vấn đề phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con trượt lớp 10 là lỗi do phụ huynh hay do thiếu trường lớp, thầy Lê Hải Trung, giáo viên Toán tại Trường TH, THCS và THPT Đa Trí Tuệ cho biết: "Đa phần phụ huynh có con trượt lớp 10 công lập xếp hàng ở trường bán công hoặc trường dân lập có tiếng, có học phí thấp vì mong muốn tìm một ngôi trường hợp lý cho con theo học.
Việc xếp hàng còn một nguyên nhân nữa là do trường có nhiều phương án tuyển sinh và không tính toán hết được các phương án. Khi đưa đi điểm đầu vào theo hình thức thi của Sở thì lại sợ nhiều học sinh đăng ký quá nên mới công bố kiểu "điểm chuẩn 41 nhưng còn 10 chỉ tiêu" khiến phụ huynh hoang mang và phải đêm hôm đi đặt chỗ cho con được học.
Mật độ dân cư ngày càng đông nhưng các trường cấp 3 vẫn không thay đổi nhiều, chỉ tiêu không tăng dẫn đến việc muốn học trường công lập thì học sinh phải chịu khó học thật tốt, và quan trọng là đặt đúng nguyện vọng, đúng mục tiêu và có nhiều phương án dự phòng với nhiều học sinh học lực không tốt".
Liên quan đến vấn đề này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng: "Trách nhiệm này thuộc về UBND TP, không đáp ứng được nhu cầu học của nhân dân. Thấy nhu cầu học như vậy, các cấp chính quyền phải quy hoạch lại sớm chứ không thể để tình trạng thi lớp 10 còn khó hơn thi đại học. Phải cấp thêm đất mở trường, tại sao doanh nghiệp xin đất thì dễ mà trường lại khó khăn như vậy? Cần phải có chính sách thu hút xã hội hóa, phải mở rộng trường công cho con em không có điều kiện theo học.
Sở GD&ĐT cũng phải chịu trách nhiệm khi không đủ khả năng tham mưu cho UBND quy hoạch phát triển giáo dục trung học. Sở chỉ đặt ra chỉ tiêu mà không tính được tương lai người học, nhu cầu lao động trong tương lai. Bao nhiêu học sinh nhà nghèo có thể học được trường tư hay giáo dục nghề nghiệp? Các em có nhu cầu trường công thì nên tạo điều kiện cho các em theo học. Còn trường hợp do hoàn cảnh gia đình, năng lực, thể trạng sức khỏe không thể học, không muốn học thì mới cho các em theo học nghề. Nếu tư vấn cho chính con em của các vị như vậy thì các vị có chịu không?".
Theo báo Hà Nội mới, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024, toàn thành phố có 71.745 học sinh trúng tuyển vào trường công lập.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, 71.745 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập do đạt điểm chuẩn theo quy định chung của thành phố.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 13 trường trung học phổ thông công lập tự chủ và trường công lập hiệp quản (thuộc các cơ sở giáo dục đại học) đang tuyển sinh lớp 10 với tổng chỉ tiêu khoảng 5.500 học sinh.
Số học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn Tp. Hà Nội trong đợt này là 77.225 học sinh, chiếm 59,9% tổng số học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở. Như vậy, tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập thực tế sau khi xác định điểm chuẩn là gần 60% (59,9%).
Chia sẻ với VOV, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, hiện số lượng các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% nhu cầu của thí sinh vào lớp 10. Trong khi đó số lượng thí sinh tốt nghiệp lớp 9 lại rất cao, điều này càng khiến cuộc đua tuyển sinh đầu cấp thêm “nóng”.
M.H (t/h)