Kỳ vọng từ phố kiểu mẫu
Năm 2016, phố Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) được lựa chọn thí điểm là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở Tp.Hà Nội với lòng đường được mở rộng gấp 3 lần, chiều dài mở rộng hơn 1,5km, điểm đầu giao với đường Tôn Thất Tùng kéo dài, điểm cuối giao với đường phía đông sông Lừ.
Tuyến phố còn được trồng thêm nhiều cây xanh cũng như đồng bộ hóa biển hiệu theo cùng màu sắc và kích thước.
Cụ thể, các hộ kinh doanh được yêu cầu thiết kế biển theo 2 màu cơ bản xanh và đỏ. Biển quảng cáo phải có chiều cao so với mặt đất 3,2-3,3m, chiều cao biển hiệu là 1,1m. Độ dài tùy theo mặt tiền và bố trí xen kẽ.
Việc triển khai tuyến phố trên khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về tính khả thi cũng như hiệu quả đem lại thời điểm đó.
Về phía lãnh đạo quận Thanh Xuân thời điểm đó cho rằng, thành công của tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân sẽ tiến hành triển khai những việc tương tự trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ cầu Ngã Tư Sở đến hết địa giới hành chính quận), để đưa đoạn đường này thành tuyến đường kiểu mẫu.
Phố kiểu mẫu lệch chuẩn sau 8 năm
Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, tại tuyến phố Lê Trọng Tấn, theo ghi nhận của Người Đưa Tin đa số các biển hiệu đều bị thay hết.
Theo quan sát, dọc tuyến phố này, những tấm biển hiệu quảng cáo của các cửa hàng có đủ kích cỡ màu sắc, thiết kế khác nhau. Những tấm biển được quy định theo kiểu mẫu với 3 tổng màu chủ đạo (xanh, đỏ, trắng) gần như đã biến mất.
Trao đổi với Người Đưa Tin, một số chủ cửa hàng trên tuyến phố này cho biết, thời gian đầu khi mặc “đồng phục”, lượng khách và doanh thu giảm do người mua khó tìm được địa chỉ bởi nhìn nhà nào cũng xanh, đỏ giống nhau.
Cũng theo một số người dân tại đây, nếu biển nào cũng giống nhau, cùng nguyên màu sắc, người đi đường rất khó nhận diện, "cứ xanh xanh đỏ đỏ nhìn vào rất hoa mắt". Hơn nữa, màu sắc đã trở thành một đặc trưng quan trọng trong việc xác định thương hiệu. Nếu biển hiệu nào cũng giống nhau thì quảng cáo để làm gì?
Đi dọc phố Lê Trọng Tấn, vỉa hè trước các cửa hàng đã được chỉnh trang lại, thế nhưng cũng bị tận dụng đỗ xe tràn lan, hay thậm chí còn trở thành không gian phục vụ kinh doanh cho các cửa hàng, khiến cảnh quan khu vực này trở nên lộn xộn, nhếch nhác.
Những cột báo "Cấm để rác trên hè và lòng đường", "Không lấn chiếm vỉa hè" bị người dân ngó lơ, không ai chấp hành.
Những tuyến phố kiểu mẫu sau 8 năm trông chẳng khác gì cũng tuyến phố thông thường thậm chí lộn xộn với đủ loại biển, bảng quảng cáo sai kích thước, chắn đường người đi bộ hơn rất nhiều.
Từ đây, có thể thấy sự lơi lỏng của lực lượng chức năng, quản lý địa bàn cũng khiến phố Lê Trọng Tấn trở lên lộn xộn, nhếch nhác bởi sự lấn chiếm của các hàng quán.