Bé sơ sinh chào đời trong... nhà vệ sinh bệnh viện
Báo Việt Nam Net đưa tin, ngày 3/11, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba (Hà Nội) cho hay đơn vị vừa cấp cứu thành công ca bệnh sinh non 31 tuần thai, ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp. Đáng nói, bé sơ sinh chào đời trong... nhà vệ sinh bệnh viện.
Thai phụ là chị T. (41 tuổi, Hà Nội). Chị được đưa vào viện khám vào cuối giờ sáng 29/10 vì sốt liên tục 4 ngày trước đó. Trước khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba, bệnh nhân đã đi khám sản khoa, kết quả thai nhi hoàn toàn bình thường.
Lúc mới vào viện, chị T. kêu đau chân, đau hông đi lại khó khăn, rất mệt, đi lại phải có người dìu, sốt 38 độ C, không ho, không khó thở; bụng không đau, không thấy cơn co tử cung. Bệnh nhân vẫn cảm thấy thai máy bình thường.
Nghi ngờ bệnh nhân có sốt virus hoặc nhiễm trùng, kíp bác sĩ đã cho bệnh nhân nằm tại phòng cấp cứu, cho truyền dịch và lấy máu làm xét nghiệm chẩn đoán.
30 phút sau vào viện, chị T. buồn đi vệ sinh, được điều dưỡng trực hỗ trợ đến nhà vệ sinh. Tuy nhiên khi vào nhà vệ sinh, bệnh nhân bất ngờ chuyển dạ đẻ và sổ con ra rất nhanh. Lúc này, điều dưỡng viên đã nhanh chóng gọi cấp cứu cho cả kíp trực. Ngay lập tức, bác sỹ đã kịp thời đỡ đẻ cho sản phụ, thai ngôi ngược. Vừa chào đời, trẻ sơ sinh nặng 1.500gr tím tái toàn thân, ngừng tim, không thở.
TS.BS Trần Thị Nguyệt Nga, trưởng kíp trực tiếp đỡ đẻ và cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cho trẻ, cho biết các thầy thuốc nhanh chóng ép tim cho trẻ, đồng thời kẹp dây rốn, ủ ấm, nhanh chóng vận chuyển hai mẹ con về giường cấp cứu với sự hỗ trợ của cả kíp trực và người nhà người bệnh khác. Tiếp đó, bác sĩ đã tiếp tục hà hơi thổi ngạt miệng, ép tim ngoài lồng ngực, ủ ấm cho trẻ, báo động đỏ nội viện, cả bệnh viện cùng sẵn sàng tinh thần để cứu lấy hai mẹ con.
Sau khi hà hơi thổi ngạt, ép tim 1 phút, trẻ có nhịp thở ngáp, có nhịp tim. Bác sĩ tiếp tục ép tim, thổi ngạt, oxy mask, kết quả trẻ có nhịp tự thở, khóc to và hồng dần toàn thân. Bệnh nhi tiếp tục được bóp bóng oxy 100%, nhịp tim 140 lần/ phút.
Các bác sĩ cũng chia sẻ, sau khi sát khuẩn, cắt dây rốn, băng vô khuẩn dây rốn cho bé, bác sĩ gọi cấp cứu 115 và một nơi khác để vận chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhưng đều không có xe vận chuyển. Dù vậy, ê-kíp trực đã nhanh chóng tìm phương án khác. Tầm 11h (30 phút sau khi bé chào đời) xe cấp cứu 115 đến, kíp trực đã vận chuyển an toàn cả hai mẹ con về Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đến nay cả bé và mẹ đều ổn định.
Trước đó, thông tin trên VTV, hồi tháng 8/2022, bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cũng đã kịp thời cấp cứu, hồi sức thành công một em bé sơ sinh đẻ rớt trong bồn cầu nhà vệ sinh.
Cụ thể, trước đó vào ngày 25/8, thai phụ M. T. (37 tuổi, trú tại phường Tân Mai, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) mang thai lần thứ 2 được 34 tuần, khi đang sinh hoạt tại nhà thì thấy đau bụng dưới, nghĩ là mình có vấn đề về đường tiêu hóa, vì còn hơn 1 tháng nữa mới tới ngày dự sinh nên thai phụ đi vệ sinh. Tuy nhiên sau đó, thai phụ sinh luôn em bé trong nhà vệ sinh (được biết thai phụ có tiền căn sinh dễ).
May mắn là lúc này có 2 vợ chồng là điều dưỡng Lê Xuân Sơn và chị Lê Thị Nhung đang làm việc Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai trên đường đến nhà chị gái của thai phụ chơi, biết được chuyện thai phụ đẻ rớt, 2 điều dưỡng liền chạy đến nhà thai phụ, đồng thời gọi xe cấp cứu.
Điều dưỡng Sơn kể lại: Khi đến nhà thai phụ T., thấy em bé đang năm trên bụng mẹ, người tím tái và có dấu hiệu thở yếu. Ngay lập tức, anh Sơn gọi điện cho bác sĩ sản khoa của bệnh viện và được hướng dẫn hồi sức cấp cứu cho em bé.
Sau đó, chị Nhung cắt rốn cho bé, còn anh Sơn đặt em bé nằm trên bàn, rồi lấy khăn lau khô, ủ ấm giữ nhiệt cho em bé. Vì em bé bị rơi trong bồn cầu, sợ em bé hít sặc nước bồn cầu và nước ối, anh Sơn đã cho em bé nằm nghiêng để các dịch nhớt trong miệng ra ngoài, đồng thời kích thích để em bé khóc.
40 giây sau, em bé có phản xạ, da hồng hào trở lại, do nhà sản phụ ở trong hẻm xe cấp cứu không vào được, trong khi tình trạng em bé đang nguy kịch, nên 2 vợ chồng anh Sơn đã chở 2 mẹ con sản phụ bằng xe máy đến bệnh viện Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cấp cứu.
Được biết, em bé sinh non tháng là bé gái, nặng 2,6kg, do sinh thiếu tháng nên hiện bé đang được chăm sóc đặc biệt và theo dõi phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp tại Khoa Nhi Sơ sinh của bệnh viện. Còn sản phụ sau 3 ngày sức khỏe đã hồi phục và được ra viện.
Chuyên gia đưa ra lưu ý
BSCKI. Nguyễn Thị Kim Nga, Trưởng Khoa Sản phụ cho biết: Hiện nay, tình trạng đẻ rớt còn diễn ra khá nhiều, do đó, thai phụ, đặc biệt là những thai phụ có tiền căn sinh dễ cần phải đặc biệt lưu ý. Khi có những triệu chứng như: Đau bụng từng cơn hoặc thậm chí không thấy đau bụng mà chỉ thấy vùng tử cung có những cơn gò đều đặn (2-3 cơn/10 phút). Hoặc có dấu hiệu ra huyết hồng hoặc ra nước lỏng như nước tiểu vào những tuần lễ cuối thai kỳ, sản phụ cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời.
"Nếu chuyển dạ mà không biết dẫn đến sinh rớt (sinh tại nhà hay sinh trên đường đến bệnh viện) thì rất nguy hiểm, vì trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao do môi trường không được vô khuẩn, bị ngạt hoặc bị lạnh sau sinh. Người mẹ cũng có thể gặp nguy hiểm do chảy máu sau sinh, chảy máu nhiều có thể dẫn đến băng huyết, bên cạnh đó có thể nhiễm trùng hậu sản do sinh trong môi trường không vô trùng. Ngoài ra còn rất nhiều rủi ro khác có thể xảy ra cho mẹ và bé khi sinh, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nếu không được xử trí kịp thời", bác sĩ Nga cho biết thêm.
Thùy Anh (Tổng Hợp)