Trao đổi với PV, lãnh đạo ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: Thời gian trưng bày mô hình bắt đầu từ 9h ngày mai (9/3), tại trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm).
Ngoài hình thức ghi nhận ý kiến tại chỗ qua các bàn đóng góp ý kiến, ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cũng sẽ tiếp nhận các hình thức đóng góp của người dân, các chuyên gia, nhà khoa học thông qua email, khảo sát trực tuyến…
Được biết, theo phương án đề xuất, ga ngầm C9 được bố trí dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa Hồ Hoàn Kiếm. Chiều dài nhà ga lên đến 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).
Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Hoàn Kiếm là 10m, tới tượng đài Cảm Tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.
Ga ngầm C9 sẽ có 4 cửa lên xuống. Cửa số 1 và cụm công trình phụ trợ (tháp thông gió, làm mát… được bố trí trong khuôn viên tổng công ty Điện Lực Hà Nội hiện nay.
Cửa số 2 bố trí phía trước tổng công ty Điện lực miền Bắc. Cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ Hồ Hoàn Kiếm. Cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm Tử, phố Hàng Dầu. Hai cổng lên xuống số 3, 4 sẽ được bố trí thang máy để phục vụ người dân; còn các cổng số 1, 2 sẽ sử dụng thang bộ.
Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5km (đoạn trên cao khoảng 2,6km, đoạn ngầm gần 9km).
Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), lộ trình theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).
Toàn tuyến có 10 nhà ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm. Trong đó, quan trọng nhất là ga ngầm tại Hồ Hoàn Kiếm. Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh gần 35.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.