Hà Nội lên dự thảo hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

Hà Nội lên dự thảo hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

Thứ 5, 28/11/2013 14:54

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trong buổi trao đổi báo chí ngày 26/11 cho biết, Hà Nội đang phối hợp với Bộ GTVT cùng các bộ ngành liên quan xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân trong khu vực nội thành. Phương án khả thi nhất hiện nay là tổ chức mở rộng các tuyến phố đi bộ.

Mở rộng phố đi bộ : Phương án khả thi ?

Ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, đề án hạn chế phương tiện lưu thông vào nội thành đang được xây dựng, nhưng cần có lộ trình cùng các thiết bị hiện đại hỗ trợ chứ không chỉ đơn thuần là ra luật và thực hiện. Theo ông Tân, giải pháp mang tính tình thế và cũng rất chiến lược hiện tại là mở rộng các tuyến phố đi bộ tại nội thành. Đề án này đã được Sở GTVT Hà Nội xây dựng từ 2012 và trình UBND thành phố. Hiện đề án lại được giao cho UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, tối ưu để thực hiện.

Xã hội - Hà Nội lên dự thảo hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

Các con phố đi bộ hiện tại đã quá tải (Ảnh minh họa)

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, đề án mở rộng các tuyến phố đi bộ hiện đã xong phần dự thảo và đang trưng cầu ý kiến các cơ quan chức năng. Theo đề án, các tuyến phố đi bộ mở rộng gồm các phố Hàng Buồm - Tạ Hiện - Mã Mây - Đào Duy Từ - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến. Đây là những con phố còn lưu giữ được cảnh quan kiến trúc từ thế kỉ 18 - 19 với nhiều di tích lịch sử văn hóa như đền Bạch Mã, đền Quan Đế, nhà cổ 87 Mã Mây, đền Hương Tượng, đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc, thuộc về khu vực bảo tồn di sản cấp 1 của Hà Nội.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng đồng tình khi cho rằng việc mở rộng các tuyến phố đi bộ dành cho người dân và du khách trong và người nước là tất yếu trước thực trạng tuyến Hàng Đào - Đồng Xuân đã quá tải. Theo khảo sát, có đến gần 80% người dân trong khu vực các tuyến phố đi bộ cũ và mở rộng ủng hội chủ trương này. Dự kiến quận Hoàn Kiếm sẽ trình lên UBND thành phố phê duyệt và triển khai ngay trong tháng 12.

Thu phí phương tiện lưu thông vào nội đô : Giải pháp hiệu quả ?

Tăng phí trông giữ xe máy, xe đạp

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình về điều chỉnh phí trông giữ xe đạp, xe máy. Theo đó, đối với phí trông giữ xe đạp, xe máy, thành phố chia làm 2 khu vực: Bên trong và bên ngoài các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại (chia theo các quận và huyện Từ Liêm; các huyện và thị xã Sơn Tây; tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa; tại các chợ, trường học, bệnh viện). Cụ thể, mức thu phí thấp nhất dành cho xe đạp (mức thu ngoài các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại) là 1.000 đồng/lượt/ ban ngày, cao nhất 3.000 đồng/lượt/ ban đêm (trong các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại). Mức thu phí với xe máy (ngoài các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại) là 3.000 đồng/lượt/ban ngày và 5.000 đồng/lượt/ban đêm. Tờ trình sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố, dự kiến diễn ra từ 2 – 7/12/2013.      

Đây là phương án gây tranh cãi nhất và cũng được các lãnh đạo đề xuất đầu tiên khi bàn về việc hạn chế phương tiện giao thông.

Ngay từ năm 2011, khi còn là giám đốc Công an thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Nhanh đã nghiêm túc thừa nhận, tất cả các giải pháp chống ùn tắc giao thông hiện nay đều tại thời điểm đó chỉ mang tính tình thế. Thành phố lúc đó đã thực hiện phân làn, chặn ngã tư nhưng sau đó đã phải nhanh chóng thu hẹp và dừng triển khai do những tính chất đặc thù của giao thông Hà Nội. Khi ấy, phương án thu phí phương tiện giao thông vào thủ đô được coi là phương án khả thi nhất, tuy nhiên cũng đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận.

Tuy vậy, trước tình thế hiện nay, một lần nữa đề xuất thu phí lại được đưa ra. Lần này, trước sự nghiên cứu và có những biện pháp xử lí kĩ lưỡng, phương án này hiện nhận được sự đồng tình của lãnh đạo thành phố Hà Nội, như ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ngày 27/3/2012 trong cuộc họp của ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp bàn về việc thực hiện các giải pháp tăng cường nhằm lập lại trật tự giao thông trên địa bàn Hà Nội, cho biết thu phí phương tiện cá nhân vào nội thành chính là mong mỏi của Hà Nội.

Xã hội - Hà Nội lên dự thảo hạn chế phương tiện giao thông cá nhân (Hình 2).

Thu phí phương tiện cá nhân là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để chống ùn tắc ? (Ảnh minh họa)

Theo đó, mục đích của việc thu phí phương tiện cá nhân là giảm mật độ phương tiện lưu thông trên đường, đặc biệt là ôtô vào trung tâm, qua đó giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. “Thu hai loại phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là chủ trương đúng đắn. Việc xây dựng phương án thu phí thế nào vào giờ cao điểm ở mức cao hơn thành phố đã có ý tưởng…”, ông Thảo nói.

Trở lại cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tân, ông cho biết nếu tiến hành thu phí các phương tiện cá nhân vào nội thành thì sẽ áp dụng công nghệ hiện đại, như chip nhớ, máy quét hồng ngoại chứ không thể sử dụng biện pháp thủ công là lập trạm kiểm soát bán vé, vì làm như vậy sẽ gây ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa ngõ thủ đô. Tuy nhiên, hạn chế ở đây chính là chi phí ban đầu khá cao và thời gian triển khai không thể nhanh chóng.

“Thành phố có thể lựa chọn biện pháp phố đi bộ đang triển khai ở quận Hoàn Kiếm mà không nhất thiết cứ phải thu phí xe vào trung tâm thành phố. Hiện các phương án này đang được nghiên cứu”, ông Tân cho biết.

T.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.