Hà Nội lên phương án đảm bảo y tế tại vùng "rốn lũ"

Thứ 7, 07/09/2024 17:54

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không chủ quan lơ là, cần chủ động xây dựng các phương án, điều kiện tốt nhất đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh.

Đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh

Ngày 7/9, Đoàn kiểm tra giám sát công tác đáp ứng y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn số 1 của Sở Y tế do Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống cơn bão số 3 (bão Yagi) tại huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ.

Theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức, bệnh viện đã xây dựng các phương án triển khai ứng phó với cơn bão số 3; 

Cùng với đó, phân công lịch trực theo 3 cấp để chỉ đạo, đáp ứng công tác khám chữa bệnh, thường trực 24/24 giờ kịp thời cấp cứu người bệnh tại bệnh viện và sẵn sàng cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu; chuẩn bị phương án khám, điều trị cho bệnh nhân ngoại trú chạy thận nhân tạo. 

Ngoài ra, bệnh viện cũng đã kiểm tra, gia cố cửa sổ, cửa kính, mái tôn, khu vực nguy cơ mất an toàn cho người bệnh và cán bộ nhân viên; cắt tỉa cây xanh.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Năm cho biết, Trung tâm Y tế chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác ứng phó với cơn bão số 3. Tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn huyện xây dựng phương án phòng chống lụt bão.

Hà Nội lên phương án đảm bảo y tế tại vùng "rốn lũ"- Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở Y tế thăm hỏi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức.

Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các trạm Y tế, phòng khám đa khoa theo dõi sát diễn biến cơn bão số 3, chủ động ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; triển khai các biện pháp phòng chống gió lốc, ngập úng tại các trạm Y tế, khu vực trũng thấp.

Trung tâm Y tế sẵn sàng nhân lực, vật tư, hóa chất, cơ số thuốc cấp cứu; đảm bảo trực cấp cứu 24/24 giờ tại trạm Y tế và phòng khám đa khoa sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu cho nạn nhân tại cơ sở và cấp cứu ngoài viện; triển khai công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực ngập úng trước, trong vào sau bão.

Tại huyện Chương Mỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ Dương Mạnh Hùng cho biết, Trung tâm đã phân công các kíp trực, 04 đội trực cấp cứu cơ động thường trực tại Trung tâm 24/24 giờ sẵn sàng nhận nhiệm vụ; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư hóa chất, phương tiện cấp cứu đáp ứng khi có tình huống xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ. 

Tổ chức tuyên truyền cho người dân, cán bộ y tế các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3, không được chủ quan, lơ là; phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện sẵn sàng cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân khi có yêu cầu.

Tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ hiện có 250 bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú, Bệnh viện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, đảm bảo công tác khám chữa bệnh, bố trí kíp trực cấp cứu thường trực 24/24 giờ. 

Ngoài ra, bệnh viện đã thực hiện rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, cửa kính, cửa sổ, cửa chớp, phòng trên tầng cao gia cố chắc chắn; bố trí giường dự phòng sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.

Hà Nội lên phương án đảm bảo y tế tại vùng "rốn lũ"- Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra vật tư y tế, thuốc men phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ.

Qua kiểm tra, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan lơ là, cần chủ động xây dựng các phương án, điều kiện tốt nhất đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân. 

Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men để cấp cứu người bệnh; đảm bảo vật tư hoá chất khử khuẩn, phòng chống dịch và vệ sinh môi trường tại các điểm ngập úng khi nước rút.

Các đơn vị xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa các đơn vị và giữa ngành y tế với người dân, kịp thời báo cáo Sở Y tế tình huống phát sinh để kịp thời xử lý.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội lưu ý, các Trung tâm Y tế cần có phương án bố trí địa điểm tạm thời cho các trạm Y tế tại vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập úng; kho vật tư hóa chất tại các Trung tâm Y tế cần bảo quản cẩn thận, để ở khu vực khô ráo, có giá kệ, đảm bảo đầy đủ quy trình vận hành phân loại theo quy định.

Để chủ động công tác ứng phó với cơn bão số 3, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 3 đoàn kiểm tra giám sát công tác đáp ứng y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị y tế trong ngành.

Phân công trực khám chữa bệnh 24/24h

Cũng trong sáng 7/9, đoàn kiểm tra số 3 của Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống bão số 3 (Yagi) tại Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín, Trung tâm Y tế huyện Thường Tín và Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Trì.

Tại buổi kiểm tra, ông Vũ Cao Cương đề nghị thủ trưởng các đơn vị thông tin nhanh về công tác đáp ứng y tế, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị; đánh giá các tình huống có thể xảy ra trước diễn biến phức tạp của cơn bão từ đó đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.

Hà Nội lên phương án đảm bảo y tế tại vùng "rốn lũ"- Ảnh 3.

Phân công trực khám chữa bệnh 24/24h để phục vụ người bệnh.

Trưởng đoàn kiểm tra yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, đảm bảo thông suốt thông tin, báo cáo đầy đủ, cập nhật tình hình về Sở Y tế;

Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các nội dung công tác chuyên môn khám chữa bệnh, cấp cứu tại đơn vị; sẵn sàng phối hợp với các cơ quan trên địa bàn để đáp ứng cứu nạn cho các tình huống khẩn cấp theo chỉ đạo của thành phố, của ngành y tế và địa phương.

Đoàn kiểm tra ghi nhận các đơn vị đã chủ động triển khai công tác đáp ứng y tế phòng chống bão số 3 như: Thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; 

Cùng với đó, có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế; thành lập đội cơ động phòng, chống dịch, cấp cứu cơ động với đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, tại các đơn vị đã bố trí giường bệnh, phân công trực khám chữa bệnh 24/24h để phục vụ người bệnh và nhân dân địa phương.

Thanh Lam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.