Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, vào vụ đông xuân, tổng diện tích đất trồng lúa trên địa bàn khoảng 85.000 ha, phát sinh gần 403.000 tấn rơm rạ. Diện tích đốt rơm rạ toàn Tp.Hà Nội vụ đông xuân khoảng 9.772 ha, trong đó huyện Sóc Sơn có 2.784 ha đốt rơm (chiếm 28,5% diện tích đốt toàn Thành phố), huyện Quốc Oai có 1.930 ha đốt rơm (chiếm 19,7%).
Tổng diện tích đất trồng lúa trong vụ hè thu gần 79.000 ha, phát sinh hơn 478.000 tấn rơm rạ. Diện tích đốt rơm rạ vụ hè thu là 9.443 ha, trong đó các huyện Quốc Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Hoài Đức, Gia Lâm có tỷ lệ phát hiện đốt rơm rạ từ khoảng 20-33%, Sóc Sơn có diện tích đốt cao nhất là 2.838 ha (chiếm tỷ lệ hơn 30%)...
Từ đó, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, việc đốt rơm rạ trong năm 2022 phát thải ra khoảng 758 tấn bụi mịn PM2.5, 8.408 tấn C0 và 107.577 tấn C02. Các huyện Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh là vùng ảnh hưởng trực tiếp của ô nhiễm.
Không những vậy, khói bụi của việc đốt rơm rạ còn ảnh hưởng đến khu vực nội thành của Hà Nội. Bên cạnh đó, khói bụi còn tác động đến khu vực sân bay Nội Bài, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi cất, hạ cánh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bay.
Sở TN&MT Hà Nội đánh giá, dù các giá trị nồng độ bụi, nồng độ khí C0, C02 chưa vượt quá mức độ quy định giới hạn tại quy chuẩn quốc gia nhưng vẫn gây ảnh hưởng nhất định tới các khu vực hứng chịu ô nhiễm của hoạt động đốt rơm rạ.
Trước thực trạng nêu trên, UBND Tp.Hà Nội chỉ đạo Sở TN&MT cùng Sở Tư pháp báo cáo căn cứ pháp luật để đề xuất nội dung ban hành "Quy định xử lý hành vi vi phạm đốt rơm rạ trên địa bàn Thành phố". Đồng thời, giao Sở TN&MT phối hợp với UBND các quận, huyện vận động, thuyết phục các hộ gia đình, cá nhân không đốt rơm rạ, hướng dẫn các biện pháp tái chế, sử dụng phù hợp.