Sáng 27/7, tại buổi cung cấp thông về một số nội dung của kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở, giai đoạn 2022-2025, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương khẳng định loa phường là một trong những hình thức thông tin cơ sở để đưa thông tin thiết yếu đến với người dân và loại hình này không thể thay thế được.
Nguyên nhân là bởi theo bà Hương loa phường là một trong những hình thức thông tin cơ sở ở Hà Nội để đưa thông tin thiết yếu đến với người dân, bên cạnh các hình thức khác như cổng thông tin điện tử, bản tin điện tử, bản tin khu dân cư… Cơ quan quản lý Nhà nước cũng khuyến khích tổ trưởng tổ dân phố xây dựng nhóm Zalo.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: "Các cộng đồng dân cư có nhu cầu tiếp nhận thông tin khác nhau và cơ sở không thể "bắt" các bác tổ trưởng đi tuyên truyền, chuyển tải thông tin cho từng hộ dân được.
Vì vậy, khi phát qua hệ thống loa thì người dân nắm được, rồi tiếp tục truyền tải thông tin cho nhiều người khác".
Theo đó, trước kia hệ thống phát thanh được thiết kế với nhiều cụm loa lớn. Điều này gây ra ô nhiễm tiếng ồn cho người dân sinh sống gần cụm loa. Đồng thời cách thức vận hành thông tin quá nhiều, trùng lặp nên gây bức xúc cho người dân.
Sau đó, thành phố đã hạn chế số lượng loa, cho phép các địa phương căn cứ vào nhu cầu truyền thông để chủ động quyết định vị trí lắp đặt loa nhưng phải tránh khu vực trường học, khu vực có người già sinh sống, khu vực có đoàn ngoại giao…
Để đảm bảo phù hợp, nội dung phát thanh đã được thay đổi, phải là thông tin thiết yếu cho cộng đồng mới được đưa ra.
Về tần suất, một tuần sẽ phát 5 ngày, trừ thứ Bảy và Chủ nhật; một ngày phát tối đa không quá 2 buổi, mỗi buổi phát có thời lượng 15 phút, trừ trường hợp tuyên truyền về thiên tai, dịch bệnh, dịp lễ... thì bổ sung thêm tần suất phát thanh.
"Hình ảnh ta đi trên đường Hà Nội mà nghe loa phóng thanh phát ra chỉ còn là câu chuyện của thập kỷ trước. Loa phường là một kênh không thể thay thế được. Ngay nhiều nước tiên tiến trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, hệ thống loa phục vụ cộng đồng vẫn đang được duy trì", bà Hương bày tỏ.
Ứng dụng công nghệ AI trong tuyên truyền
Nói rõ hơn về kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở, giai đoạn 2022-2025, các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch hoàn toàn bám sát Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ban hành ngày 7/9/2021.
Theo bà Hương, hiện có 20 địa phương đang triển khai, trong đó có Hà Nội. Hiện Hà Nội có 579 xã, phường, thị trấn và có 579 đài truyền thanh cơ sở (100% đã có đài truyền thanh hoạt động).
Qua các giai đoạn khác nhau, tùy mục tiêu tuyên truyền, Sở đã có văn bản tham mưu đến thành phố để loa phường truyền tải thông tin đến cơ sở đạt hiệu quả nhất, đồng thời thay đổi phương thức vận hành, nỗ lực cải tiến làm sao để nội dung gần gũi, sát dân nhất.
Bà Hương cho biết: "Kế hoạch nhằm xây dựng hệ thống thông tin nguồn từ Trung ương đến địa phương để cấp trung ương "nhấn nút" thì cấp xã, phường cũng nhận được thông tin.
Việc ứng dụng công nghệ mới sẽ giảm thiểu nhân lực đang kiêm nhiệm ở các địa phương. Giọng đọc AI giúp tiết kiệm thời gian chuyển tải thông tin, chất lượng âm thanh phát ra… những điều vừa rồi là một bước tiến với mong muốn hướng tới để loa phường hoạt động hiệu quả hơn, gần gũi hơn".