Dịch cúm A tăng, giá thuốc “nhảy múa”
Bên cạnh sự gia tăng ca bệnh Covid-19, dịch sốt xuất huyết, cúm A cũng âm thầm leo thang thời gian gần đây. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội đến nay, thành phố ghi nhận 2.065 trường hợp mắc cúm. Trong 4 tháng đầu năm 2022 ghi nhận gần 400 ca/tháng. Từ tháng 5 số ca mắc bắt đầu tăng lên 556 ca, tháng 6 là gần 900 ca.
Số ca bệnh cúm tăng lên cũng khiến cho thị trường thuốc trở nên sôi động, nhiều người bệnh hoặc người thân có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi cũng ra hiệu thuốc để mua thuốc về tự điều trị.
Chị Nguyễn Hoàng (Mễ Trì, Hà Nội) cho biết cách đây một tuần cả gia đình chị có triệu chứng ho, sổ mũi, nhức đầu kèm theo sốt. Chị đã ra hiệu thuốc để mua thuốc về uống.
“Tôi nghe nói cúm A đang bùng phát, cả nhà thì ốm và ho dai dẳng mãi không khỏi, tôi có ra hiệu thuốc tìm mua Tamiflu và một vài thuốc đi kèm, cách đây một tuần tôi mua 3 viên là 60.000 đồng/1 viên, nhưng mới đây tôi đi mua cho người thân thì lên 65.000 đồng/1 viên”, chị Hoàng cho hay.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Quân (Láng Hạ, Hà Nội) cho hay anh và vợ mắc cúm A, anh được người bạn giới thiệu mua thuốc Tamiflu để điều trị. Tuy nhiên, khi anh đi mua thì mới biết mặt hàng này giá khá cao, mua lẻ thì giá đã lên 75.000 đồng/1 viên, cả hộp 10 viên là 750.000 đồng.
“Giá thuốc cao nhưng vì thấy bảo nhanh khỏi bệnh nên tôi cũng chấp nhận mua, miễn là khỏi”, anh Quân nói.
Người Đưa Tin tiếp tục khảo giá thuốc trên địa bàn Hà Nội, theo đó một nhà thuốc trên đường Láng Hạ cho biết thuốc Tamiflu điều trị cúm A hiện khá khan hàng, cửa hàng còn thuốc nhưng giá khá cao ở mức 550.000 đồng/ 1 hộp.
Tại hiệu thuốc trên đường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chủ hiệu thuốc cho biết thuốc Tamiflu hiện đang khan hàng, giá bán 700.000 đồng/1 hộp 10 viên.
“Nhiều người hỏi mua nhưng hiện hàng khan lắm, người nào mua thì phải đặt trước và chờ vì hàng chưa có sẵn”, chủ hiệu thuốc này nói.
Tiếp tục khảo giá thêm một số hiệu thuốc cùng địa bàn, Người Đưa Tin nhận thấy giá thuốc Tamiflu dao động khoảng 70-80.000 đồng/1 viên. Tuy nhiên, có nơi yêu cầu phải có đơn chỉ định của bác sĩ thì mới bán.
“Bình thường mỗi hộp Tamiflu có giá hơn 400.000 đồng, nhưng nay nhập vào giá cao hơn nên bán ra cũng cao hơn, khoảng 650.000 đồng – 700.000 đồng/1 hộp (10 viên)”, chủ cửa hàng thuốc cho biết.
Theo ghi nhận, thuốc nội khan hàng nên một số hiệu thuốc cho biết chỉ còn thuốc Tamiflu nhập khẩu, giá bán cũng dao động 600.000 - 700.000 đồng/1 hộp 10 viên.
Chuyên gia nói gì?
Trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, việc người dân tự ý đi mua thuốc Tamiflu tích trữ, thậm chí tự ý sử dụng là không cần thiết.
Theo BS. Thiệu, dù Tamiflu là một thuốc kháng virus vì vậy nên có chỉ định dùng sớm, nhưng phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
“Người bệnh phải được xác định là nhiễm cúm A, kèm theo đó là chỉ định của bác sĩ thì mới có thể dùng Tamiflu”, BS. Thiệu nói.
BS. Thiệu cũng cho rằng việc sử dụng thuốc không đúng bệnh, không đúng chỉ định sẽ dẫn tới lãng phí, không hiệu quả.
Nói thêm về những biến chứng có thể gặp phải nếu dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, BS. Thiệu cho biết: “Việc dùng Tamiflu không theo chỉ dẫn, người bệnh còn đối mặt với các tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi…”.
Để phòng, chống bệnh cúm A BS. Thiệu khuyến cáo nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm cho những người ≥ 6 tháng tuổi không có chống chỉ định.
Bên cạnh đó, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn, dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ.
Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, vì thế tránh đưa trẻ tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Và cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn.
Theo đó, người dân nên phòng ngừa bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và tiêm phòng vắc xin hằng năm. Đối với những người có bệnh lý nền cần theo dõi, đến thăm khám ở cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Hoàng Bích - Minh Tuyết