Ngày 10/4, tại hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội (khóa XVI), lãnh đạo nhiều địa phương và sở, ngành của TP đã bàn về tình trạng sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn TP.
Ông Đinh Trường Thọ, Bí thư huyện Thanh Oai phản ánh: Hiện nay, nông dân thường xuyên phải chịu cảnh “được mùa rớt giá” và cho rằng, tình trạng rủi ro trong sản xuất nông nghiệp với nông dân là rất lớn.
Một nghịch lý được ông Thọ chỉ ra là, tình trạng nông sản được mùa rớt giá và đề nghị TP tìm giải pháp lâu dài.
“Dịch bệnh, mất mùa đã làm nông dân lo lắng, nhưng khi được mùa nông dân còn lo lắng hơn vì không biết tiêu thụ ở đâu. Nông dân không biết sau thu hoạch thì chế biến, bảo quản thế nào vì chưa có các nhà máy, xưởng chế biến bảo quản sau thu hoạch”, Bí thư huyện Thanh Oai phân tích.
Lấy ví dụ về việc củ cải ế bị đổ bỏ tại huyện Mê Linh hay giá thịt lợn của 6 tháng đầu năm 2017 là 4kg thịt chỉ có 100.000 đồng, ông Thọ cho hay: Thống kê ở HTX Hoàng Long của huyện Thanh Oai, 6 tháng đầu năm 2017, cứ 1 ngày lỗ khoảng 50 triệu đồng. Các công ty này gần như có nguy cơ phá sản, bà con gần như bỏ chăn nuôi về lợn.
Từ đó, ông đề nghị TP có quy hoạch đầu tư cho các dự án chế biến bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, có định hướng tiêu thụ sản phẩm, chính sách hỗ trợ, trợ giá cho nông dân...
Bàn giải pháp về vấn đề này, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc sở Công Thương TP.Hà Nội bày tỏ: “Không thể nào cứ đi giải cứu thế này".
Theo ông Thăng, nếu sản xuất mà không rõ tiêu chuẩn sản xuất, không rõ thương hiệu thì các nhà kinh doanh không thể nào tiếp cận được. Bên cạnh đó, ông này cho rằng kinh doanh thì phải có tổ chức HTX, các DN đứng ra tổ chức thu gom thì các siêu thị, trung tâm thương mại mới ký hợp đồng.
Giám đốc sở Công Thương TP cho hay, để phát triển đòi hỏi cần có chợ đầu mối, trung tâm để tập trung và phân phối nông sản. “Vừa qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp xảy ra dư thừa đột biến như củ cải. Nếu đồng bộ các chợ đầu mối thì có chỗ để giao dịch, không đến nỗi phải như vậy”, Giám đốc sở Công Thương Hà Nội chia sẻ. Đồng thời cho biết hiện nay, đang đề xuất chủ trương đầu tư đồng bộ toàn bộ hệ thống chợ trên địa bàn TP.
“Chúng tôi đã đưa nhà đầu tư này đến một số quận, huyện để làm những dự án thí điểm, toàn bộ hồ sơ này đã in gửi 30 quận, huyện thị xã và lãnh đạo sở, ngành của TP. Sở Công Thương được giao chủ trì nghiên cứu về việc này. Đồng thời, xem xét các phương án về việc cần nguồn vốn xã hội hóa như thế nào, ngân sách Nhà nước ra sao, quy trình thẩm định như thế nào…”, ông Thăng nói.