Sáng 16/8, Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 24 (về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố), được Thành ủy Hà Nội tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 23.041 đại biểu.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chủ động, sáng tạo.
Trong đó, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và đã đạt được kết quả khá toàn diện. Một số việc lớn có tính chiến lược, việc khó, tồn tại từ nhiều năm của thành phố đã được lựa chọn để giải quyết, bước đầu đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, gần đây, trong tham mưu, xử lý công việc của nhiều cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, cần được thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24 ngày 7/8/2023 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội.
Trong phụ lục của Chỉ thị 24 gợi ý 21 biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố. Cụ thể, gồm: 12 biểu hiện về vi phạm kỷ cương, kỷ luật; 9 biểu hiện về né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, còn có 4 biểu hiện trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người dám đấu tranh, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo.
“Hà Nội là địa phương đầu tiên đưa ra khung nhận diện một số biểu hiện trong việc vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, điều đó thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố", bà Tuyến nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, để triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU, thành phố đã nêu rõ 10 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, có việc tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo phương châm 3 rõ, gồm: Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ; chỉ rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân và kịp thời có giải pháp khắc phục tồn tại, chậm trễ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã được xây dựng kỹ lưỡng, công phu, bài bản, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn, các yêu cầu nhiệm vụ của Thành phố và được đưa ra thảo luận, bàn bạc, xin ý kiến tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố.
Qua đó thể hiện quyết tâm rất cao trong việc tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bí thư Thành ủy cho rằng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính quyết định việc đưa các nội dung của Chỉ thị và nhiệm vụ giải pháp trong Kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống đạt hiệu quả, chất lượng. Là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.
Do đó, cần được các cấp, ngành xác định rõ vị trí, tầm quan trọng, phát huy dân chủ, bàn bạc kỹ lưỡng, đầu tư “trí, lực” và quyết tâm chính trị tương xứng, thể hiện quyết tâm chính trị tương xứng, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bí thư Thành uỷ yêu cầu, ngay sau Hội nghị, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được giao phụ trách các đảng bộ trực thuộc Thành ủy, các lãnh đạo UBND Thành phố phụ trách lĩnh vực, sở, ngành, đơn vị thuộc thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác hướng dẫn, gắn với thường xuyên đôn đốc, kiểm tra trong việc thực hiện Chỉ thị.
Các ban Đảng của Thành ủy, Đảng đoàn HĐND Thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, các quận, huyện, thị ủy, các đảng uỷ trực thuộc Thành uỷ tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình, bước đi vững chắc, phù hợp để triển khai thực hiện Chỉ thị một cách bài bản, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, thống nhất cao ý chí và hành động.
Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.