Thượng tá Phạm Ngọc Kim - Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cho rằng, TP nên nghiên cứu việc cho các chủ cơ sở kinh doanh mặt đường thuê vỉa hè theo một mức phí phù hợp.
“Ví dụ ông buôn bán vàng bạc khác, ông bán nước chè khác… phải có phân khúc, phân vùng, định lượng.. Kinh doanh trông xe một mức, bán nước một mức… Vỉa hè là đất nhà nước mà chủ hộ thuê kinh doanh thì phải nộp tiền”, thượng tá Phạm Ngọc Kim chia sẻ.
Cũng theo Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, đối với vỉa hè rộng thì nên nghiên cứu cho xếp xe 2 hàng để 1 khoảng vỉa hè giành cho người đi bộ rộng khoảng 2 mét. Đồng thời cho rằng việc “dẹp loạn” vỉa hè thì cần sự đồng lòng, ủng hộ của người dân mới là giải pháp thiết thực.
Ngoài ra, Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cũng cho rằng, đối với khu vực gần bến xe Mỹ Đình thì cần phải rà soát lại việc cấp phép với các văn phòng đại diện các hãng xe để tránh tình trạng xe dù, xe cóc, xe trái tuyến tập hợp khách để chạy. Tiếp đến là tình trạng các xe taxi, xe ôm Uber, Grap vây hãm bến xe, xe khách, xe chạy hợp đồng.
Cũng đề xuất phương án để “dẹp loạn” vỉa hè trên địa bàn Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 - ông Nguyễn Văn Lâm cho rằng, việc cấp phép cho các văn phòng đại diện các hãng xe quanh bến xe Mỹ Đình khiến nảy sinh tình trạng các nhà xe tập hợp khách sau đó thuê xe vận chuyển để chạy trái tuyến gây tình hình phức tạp. Cùng với đó TP cần nghiên cứu rà soát lại các bãi đỗ xe được cấp phép theo hướng chỉ cấp phép đỗ 1 bên.
Liên quan đến “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ đang diễn ra trên nhiều địa bàn thuộc TP. Hà Nội, theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin việc các địa phương đồng loạt ra quân “dẹp loạn” vỉa hè phần nào cho kết quả ban đầu.
Nhiều tuyến đường, tuyến phố trở nên thông thoáng, hàng trà đá, các biển quảng cáo vi phạm lấn chiến đã giảm đi trông thấy. Tuy nhiên, một số nơi vỉa hè vẫn còn tình trạng bị trà đá, hàng rong “tái chiếm” sau khi đã bị dẹp.
Nhất Nam