Anh N.V.T., 46 tuổi (trú tại Thạch Thất, Hà Nội) vào thăm khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất trong tình trạng đau hạ sườn phải, nôn, bụng chướng kết hợp bí tiểu phù hai chân trên nền có bệnh xơ gan nặng, uống nhiều rượu thường xuyên.
Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá bệnh của anh T. có nguy cơ diễn biến nhanh, tiên lượng xấu và được theo dõi điều trị hồi sức tích cực.
(Ảnh minh họa).
Sau 8 giờ nhập viện theo dõi, bệnh nhân rơi vào hôn mê, nhiễm khuẩn tăng lên, qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán theo dõi viêm màng não, xơ gan mất bù, nhiễm trùng dịch cổ chướng, phải can thiệp đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập, chọc dịch não tuỷ, điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ, cân bằng kiềm toan.
Trong quá trình điều trị, nhiều lần bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn, nguyên nhân được xác định do rối loạn nhịp rung thất gây ra trên nền bệnh nhân xơ gan mất bù, viêm màng não, nhiễm trùng dịch cổ trướng, bệnh nhân nhanh chóng được sốc điện, kiểm soát nhịp tim điều trị phối hợp.
BSCKI Nguyễn Kim Lý, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK Thạch Thất là người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân kể, gần 1 tháng điều trị có những thời điểm bệnh nhân tổn thương phổi diễn biến nặng, tình trạng nhiễm trùng cổ chướng xơ gan diễn biến phức tạp, tình trạng viêm màng não tạm thời kiểm soát.
Tuy nhiên, tình trạng rối loạn nhịp tim bắt đầu xuất hiện, liên tục xảy ra rung thất, đe dọa tử vong. Trong tuần đầu, bệnh nhân xuất hiện nhiều lần rung thất, các bác sĩ, điều dưỡng của khoa và các kíp trực phối hợp chặt chẽ, đồng lòng, quyết tâm cứu bằng được tính mạng bệnh nhân, mặc dù hy vọng khá mong manh.
Gia đình bệnh nhân cũng muốn được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, khi chuẩn bị sẵn sàng để chuyển tuyến thì bệnh nhân lại rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng rất khó khăn để chuyển tuyến trên.
Trong tuần đầu, bệnh nhân xuất hiện nhiều lần rung thất, các bác sĩ, điều dưỡng của khoa và các kíp trực phối hợp chặt chẽ, quyết tâm cứu bằng được tính mạng bệnh nhân, mặc dù hy vọng khá mong manh.
Sau một thời gian điều trị, gia đình có nguyện vọng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Tuy nhiên, khi chuẩn bị sẵn sàng để chuyển tuyến thì bệnh nhân lại rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng rất khó khăn để chuyển tuyến trên.
Các y bác sĩ của bệnh viện thực hiện hội chẩn với bệnh viện đầu ngành nội khoa, tim mạch để có phác đồ điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.
Trải qua 12 ngày thở máy xâm nhập, chức năng phổi bệnh nhân bắt đầu hồi phục, kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng, bệnh nhân được cai máy thở thành công và rút ống.
Ngày xuất viện, bệnh nhân T. chia sẻ: "Là người uống rượu nhiều năm, trong quá trình nằm viện, sau khi được rút ống nội khí quản, tôi vật vã với hội chứng cai, lại đau nhiều do vết loét vùng cùng cụt. Những tưởng sẽ bỏ cuộc nhưng với sự chăm sóc nhiệt tình của các y, bác sĩ bệnh viện và gia đình nên tôi đã vượt qua chính bản thân mình để chiến thắng bệnh tật".
DIỆU THU