Hiện, đền Thanh Nhàn vẫn còn nhiều pho tượng cổ có giá trị vào bậc nhất miền Bắc và vẫn còn những câu chuyện về sự linh thiêng đến khó tin.
Huyền tích "hòn đá vết chân người, ngựa"
Cách trung tâm Hà Nội chừng 30 cây số, nằm sát quốc lộ 2, đền Thanh Nhàn (Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) nằm trên một quả đồi xung quanh cây cối xanh tươi. Ngôi đền nằm biệt lập với khu dân cư, điều này càng khiến không gian nơi cửa đền thanh tịnh và yên tĩnh đến lạ thường. Đền tọa lạc trên một quả đồi rộng hơn 2 hecta, thế đất "bạch tượng ẩm thủy" (voi trắng uống nước). Bao quanh ngôi đền còn có miếu Ba bà cô, ngôi mộ hơn 500 tuổi của một ni sư.
Đền Thanh Nhàn còn bảo tồn được 9 đạo sắc phong từ hậu Lê đến cuối triều Nguyễn.
Theo lệ làng Thanh Nhàn, mỗi năm, dân làng bầu ra một người làm thủ từ đền và có nhiệm vụ trông nom, hương khói. Những người được nhân dân tin tưởng bầu ra phải có đạo đức, chuẩn mực nhất định như gia đình có truyền thống tốt đẹp, chỉn chu làm ăn, con cháu học hành đỗ đạt cao...
Tiếp chúng tôi, cụ Phạm Văn Thông, 84 tuổi, thủ từ đền Thanh Nhàn, cho biết: "Theo thần tích năm 1574, đền Thanh Nhàn thờ Phù Đổng Thiên Vương hay còn gọi là đền Tam Tổng, vì có ba tổng phục vụ lễ hội và thờ cúng. Chuyện kể, trước lúc Đức Thánh Gióng phi ngựa lên đỉnh Vệ Linh (Sóc Sơn) bay về trời, ngài đã qua chốn này nghỉ chân. Dấu tích còn in đậm một dấu chân ngài quỳ gối và chân trước ngựa sắt trên hòn đá cuộn dưới tán cây lộc vừng cổ thụ. Trải bao thăng trầm lịch sử, cây lộc vừng và hòn đá vẫn còn đó và ngày càng thu hút nhân dân đến chiêm bái".
Vì sao ngài chọn nơi đây làm chốn nghỉ chân, được lý giải là bởi cảnh sắc nơi đây đẹp và rất thơ mộng. Nếu đứng tại vị trí đền sẽ thấy con sông chạy uốn lượn, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời. Khi ngài đi qua vùng hỏi người dân "đây là đâu mà cảnh sắc đẹp như vậy?", người dân đáp đây là làng "Thanh Khốn". Đức thánh ngài nghe vậy mới hỏi sao lại là Khốn?, người dân đáp chữ Khốn trong từ khốn khổ vì vùng này quanh năm nghèo đói. Đức Thánh mới bảo các cụ trong làng nên đổi Thanh Khốn thành Thanh Nhàn để người dân bớt khổ. Kể từ đó, làng mới có tên như ngày nay, điều lạ kỳ sau khi làng chuyển sang tên mới, dân làm ăn khấm khá, cuộc sống no ấm thanh bình. Để nhớ công lao ngài, dân làng đã lập đền thờ ngay trên quả đồi nơi ngài dừng chân và còn dấu tích ở đó.
Cụ Phạm Văn Thông chỉ vào "hòn đá vết chân người, ngựa" dưới tán cây lộc vừng cổ thụ.
Để tìm hiểu thêm về ngọn nguồn di tích và những câu chuyện về sự linh thiêng của ngôi đền, chúng tôi tìm gặp cụ Chu Văn Sắc, 88 tuổi, một người nhiều năm hương khói đền, cụ Sắc cho biết: "Đền Thanh Nhàn theo sử sách ghi lại được xây dựng từ thế kỷ XVI. Đền có bốn cung được sắp xếp theo kiểu chữ tam, ngoài cùng là cung tiền tế, cung đệ tam, cung đệ nhị và hậu cung. Từ ngày xây đền, tượng Đức thánh Phù Đổng Thiên Vương được đúc bằng đồng hun vô cùng quý giá và nặng khoảng 2,5 tấn. Đây cũng là pho tượng cổ thứ hai của Hà Nội. Ngoài ra, còn có đôi thần mã hồng, bạch cũng được đúc bằng đồng hun, mỗi pho nặng hơn một tấn và được đánh giá là đôi thần mã lớn nhất miền Bắc. Đặc biệt, hai vị quản mã được đúc bằng gỗ từ năm 1595 đến nay vẫn nguyên vẹn. Ngoài ra, đền có hòn đá rất to hằn vết chân người và một vết lõm chân ngựa. Tương truyền, Thánh Gióng đã quỳ vào hòn đá cúi xuống sông Nguyện Đức uống nước. Hiện nay, dân làng đã xây bờ tường bao quanh hòn đá và cây lộc vừng để nhân dân chiêm bái, tín vọng.
Ngôi đền linh thiêng lắm, ngày trước hễ ai vào khu vực đền mà ăn nói hỗn láo ngài trừng phạt nặng. Ngày trước các quan to đi qua còn phải xuống ngựa nếu không sẽ bị ngã. Đến chiến tranh chống Mỹ, khắp vùng bị bom giặc đánh phá tan hoang, nhà cửa thiêu rụi, nhưng đền không hề bị phá, duy một lần, hai quả bom B52 rơi xuống đền nhưng không nổ. Nhiều người thấy đó làm kinh ngạc, ngôi đền thiêng thì ai cũng biết nhưng bom rơi mà không nổ thì quả là điều khó tin, nhưng lại là sự thật".
Ngôi đền thiêng Thanh Nhàn vẫn còn đôi rồng đá thời hậu Lê trước cửa đền.
Người Tàu có giấu vàng trong đền?
Nhiều cổ vật có giá trị "Đền Thanh Nhàn gắn với truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đền là một trong 12 nơi trên cả nước thờ Phù Đổng Thiên Vương. Hiện ngôi đền vẫn giữ nhiều pho tượng quý giá được đúc bằng đồng hun từ đầu thế kỷ XVI như pho tượng Đức Thánh Gióng, đôi thần mã, chuông đồng... Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, đền cũng bị tàn phá nặng nề, chỉ còn phần hậu cung, sau đó người dân đã đóng góp và sửa sang như ngày nay. Thời kỳ chống Mỹ, hầu như Đền không bị ảnh hưởng gì, hai quả bom B52 rơi xuống cũng không nổ. Đền nằm trong quần thể di tích gồm chùa, miếu, đình, đền như một trung tâm văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu của người dân trong vùng bao đời nay. Trong khuôn viên đền còn có cây lộc vừng cổ thụ mà đến nay chúng tôi cũng chưa xác định được niên đại, ước chừng cũng vài trăm năm", ông Ngô Văn Sang, cán bộ phụ trách văn hóa xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội cho biết. |
Đem câu chuyện hỏi các cụ cao niên thực hư về chuyện người Tàu giấu vàng trong khuôn viên đền, theo cụ Sắc, lâu lắm rồi, có tin đồn người Tàu chôn vàng dưới khu vực đất đá phía sau hậu cung nhà đền. Phía sau hậu cung đền có một khoảng đất khá rộng được lát kiên cố bằng những tảng đá lớn vững chắc. Sau này, người Tàu sang lấy đi, phần đất đó có dấu vết của sự đào bới nên nhiều người cho rằng họ giấu vàng dưới những viên đá lớn đó.
Vuốt chòm râu, cụ Phạm Văn Vân, 93 tuổi, người đã sống ngót nghét gần một thế kỷ nhưng còn minh mẫn và tinh tường cho biết: "Lâu rồi, chuyện người Tàu giấu vàng tại đền là có thật, còn ở một vị trí hay nhiều vị trí thì không ai dám đào bới tìm kiếm, sợ phạm đến ngài nên không rõ. Còn vị trí người ta bảo có vàng bấy giờ thì nay không còn gì. Đến nay, người dân cũng ít đề cập đến chuyện ngôi đền còn chứa vàng hay không nữa".
"Ngay cả cây lộc vừng bên hòn đá chân người, chân ngựa có từ bao giờ cũng không ai biết. Chỉ biết từ bé, tôi sinh ra cây lộc vừng đã to lớn như bây giờ rồi. Hỏi ông bà của tôi cũng bảo sinh ra cây lộc vừng đã có ở đấy rồi, không biết chính xác cây lộc vừng được bao nhiêu tuổi. Cây gắn với tảng đá có một vết chân của ngài và một vết chân ngựa in dấu nơi đức Thánh Gióng đi qua nghỉ chân" - cụ Vân nói.
Cụ Nguyễn Văn Nga, 80 tuổi, hàng ngày vẫn đạp xe bán trà đá ở chợ Thanh Nhàn, khi nhắc đến ngôi đền thờ Đức Thánh Gióng, gương mặt cụ nghiêm nghị bảo: "Ngôi đền thiêng lắm, đến đó chớ có vô lễ, thánh quở tội chết. Hơn nữa, đến cửa đền mà nói lếu láo cũng không được, thánh phạt không cứu được đâu". Cụ Nga sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng đất này như một phần không thể thiếu nên những chuyện trong làng, ngoài xã cụ nắm rất rõ. Theo lời cụ Nga, ngoài những câu chuyện linh thiêng mà người dân truyền nhau, ngôi đền ngày trước còn chứa rất nhiều vàng chôn phía sau hậu cung, còn số lượng cụ thể bao nhiêu thì không ai rõ, nhưng người Tàu đã lấy đi hết. Sau khi người Tàu lấy đi, người dân mới biết, ngôi đền có chứa vàng".
Thực hư, ngày nay Đức Thánh có trừng phạt những người đến làm lễ tại đền mà vô phép, hỗn láo hay không, cụ Phạm Văn Thông bảo: "Thánh vẫn trừng phạt đấy. Chỉ gần chục năm trở lại đây, một ông trong làng tính tình bỗ bã, ngỗ ngược khi vào trong đền đứng cạnh thần mã rồi đưa tay lên vuốt vào má thần mã bảo "sao không ra ngoài kia gặm cỏ, đứng ở đây thì ăn gì". Sau đấy về nhà, sáng hôm sau người này không biết tại sao hai má mình cứ sưng vồng lên và đau điếng không chịu được. Chạy chữa khắp nơi, uống đủ các loại thuốc cũng không khỏi. Người nhà hỏi ra mới biết người này đã phạm thượng với ngài nên bị trừng phạt, muốn khỏi thì phải làm lễ lên thắp hương mong ngài xóa tội. Ngay hôm sau, gia đình người này sửa soạn lễ chu đáo, lên thắp hương mới được ngài tha thứ".
Thật ra những câu chuyện trên chỉ là lời đồn đoán, cũng như chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng đã được người dân thêu dệt mang màu sắc huyền bí tâm linh.
Thiên Vũ