Hà Nội nỗ lực gỡ “điểm nghẽn” trong cải tạo chung cư cũ

Hà Nội nỗ lực gỡ “điểm nghẽn” trong cải tạo chung cư cũ

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 6, 16/12/2022 15:00

Hà Nội có gần 1.580 chung cư cũ, trong đó nhiều toà nhà được xếp vào diện nguy hiểm. Nhưng gần 20 năm qua, Hà Nội chỉ cải tạo được 19 chung cư (chiếm tỉ lệ 1,2%).

Rào cản cải tạo chung cư cũ 

UBND Tp.Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 1.580 nhà chung cư cũ, trong đó có hơn 1.200 nhà thuộc 76 khu chung cư và hơn 300 chung cư cũ độc lập.

Các tòa chung cư này phần lớn được xây dựng từ năm 1960 đến 1994, cá biệt có một số nhà xây dựng trước năm 1954. Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân.

Tp.Hà Nội xác định, việc cải tạo chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm là nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng của nhân dân. Tuy nhiên, qua gần 20 năm triển khai (từ 2005), Hà Nội mới cải tạo được 19 nhà chung cư cũ (chiếm 1,2%), 14 dự án đang triển khai.

Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là do các cơ chế, chính sách chưa hài hòa được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, xã hội. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định cụ thể về kiểm định, quy trình, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và hệ số đền bù.

Cụ thể, về vấn đề đền bù, đa số hộ được hỏi đều yêu cầu hệ số bồi thường diện tích tái định cư căn hộ tại chỗ lớn hơn căn hộ cũ.

Ngoài ra, một số hộ dân không thống nhất với cơ chế bồi thường, hỗ trợ của thành phố, nhất là các hộ tại tầng 1 có diện tích cơi nới, lấn chiếm không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ. Nhiều hộ dân trong khu chung cư cũ gặp khó khăn về kinh tế khi chi trả tiền cho phần diện tích tăng thêm sau cải tạo.

UBND Tp.Hà Nội nêu ví dụ cụ thể như chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng dù đã bị sập một phần nhưng vẫn còn một số hộ chưa di dời, dù quận đã bố trí nhà tạm cư. Gần 10 năm nay, chung cư C8 Giảng Võ được xếp vào danh sách nguy hiểm cần cải tạo, nhưng đến nay vẫn còn hơn 10 hộ dân chưa chịu di dời…

Bên cạnh đó, việc cải tạo chung cư cũ đòi hỏi vốn lớn, trong khi đó nguồn ngân sách của thành phố còn hạn hẹp. Việc quy hoạch chung xây dựng Thủ đô xác định khu vực nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) hạn chế phát triển (hạn chế tầng cao và dân số) dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư.

Đặt mục tiêu đến 2045 hoàn thành cơ bản công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Tp.Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 hoàn thành cơ bản công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Để hoàn thành mục tiêu đó, những năm gần đây, Tp.Hà Nội đã “rốt ráo” đưa ra nhiều chính sách nhằm tháo gỡ hàng loạt khó khăn kể trên để các doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố.

Cụ thể, bắt đầu từ việc tháng 9/2021, HĐND Tp.Hà Nội đã thông qua dự thảo Đề án "Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Tp.Hà Nội”. Trong đó, một nội dung quan trọng là sẽ bố trí ngân sách tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư, chia làm 4 đợt từ nay đến hết quý IV/2023.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, đến thời điểm này, đã có 70 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến việc cải tạo chung cư cũ.

Nhà đầu tư “thay đổi thái độ” bởi một phần do trước đây, các khâu kiểm định, lập quy hoạch chi tiết dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đều do nhà đầu tư thực hiện thì theo quy định mới (Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư), Nhà nước sẽ bỏ tiền thực hiện kiểm định và lập quy hoạch, kết quả sẽ khách quan hơn.

UBND Tp.Hà Nội cũng đặt kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố trước quý IV/2023 với số tiền dành cho công tác kiểm định lên tới 500 tỷ đồng. Đồng thời, theo kế hoạch, thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố - đợt 1, tập trung di dời các hộ dân và khẩn trương xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; phấn đấu cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến tháng 10/2022, đã có 14/15 quận, huyện (nơi có nhà chung cư cũ) ban hành kế hoạch cải tạo chung cư cũ, chỉ còn một huyện (huyện Thanh Trì) chưa ban hành kế hoạch. Và đã có 12/15 quận, huyện gửi nhiệm vụ kiểm định về Sở Xây dựng. Trong đó, 7/15 quận, huyện đã được Sở Xây dựng chấp thuận nhiệm vụ kiểm định gồm: Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy; còn 5/15 quận, huyện đang bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gồm: Hai Bà Trưng, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông. Ba quận, huyện chưa gửi nhiệm vụ kiểm định gồm: Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cũng cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội cũng vừa mới ban hành Bộ tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ. Bộ tiêu chí quy định rõ trình tự thẩm định, đánh giá kết quả kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, gồm 6 bước: Kiểm tra sự phù hợp của báo cáo kết quả kiểm định so với nhiệm vụ kiểm định, đề cương kiểm định đã được phê duyệt; Kiểm tra về công tác khảo sát hiện trạng, thu thập thông tin, tài liệu về công trình (chủ quản nhà, địa chỉ, quy mô, công năng, loại kết cấu và hình dạng nhà chung cư cần đánh giá...). Đối với tiêu chí đánh giá nhà chung cư bị hư hỏng thuộc diện phải phá dỡ được quy định, gồm: Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng; nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình…

Mới đây, UBND Tp.Hà Nội lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn. Một trong những chính sách Tp.Hà Nội dự kiến thực hiện đó là hệ số bồi thường gấp đôi diện tích nhà chung cư cũ. Với chính sách đó có lẽ sẽ đáp ứng được yêu cầu hệ số bồi thường diện tích tái định cư căn hộ tại chỗ lớn hơn căn hộ cũ.

Chương trình phát triển nhà ở Tp.Hà Nội (giai đoạn 2021-2030) cũng đã xác định rõ mục tiêu cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ gồm: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân; và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D như: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp (Cống Vị, Ba Đình).

Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Công an nhân dân)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.