Thay đổi thói quen của sắm của người dân
Tại sự kiện không dùng tiền mặt năm 2022 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội.
“Xu hướng thanh toán này đã thay đổi thói quen của sắm của người dân thủ đô sau đại dịch. Thanh toán không tiền mặt còn giúp Hà Nội giữ vững xếp hạng thứ 2 cả nước về chỉ số thương mại điện tử EBI hàng năm”, bà Lan chia sẻ thêm.
Quả thật, xu hướng thanh toán này gần như đã hoàn toàn thay đổi thói quen mua sắm của một số người dân. Quan niệm các tiểu thương ở chợ hay những cửa hàng nhỏ chỉ nhận thanh toán bằng tiền giấy đã không còn. Giờ đây, chỉ cần mua hàng trên 10.000 đồng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể dùng phương thức thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng, quét mã QR code,...
Ghi nhận của PV Người Đưa Tin tại một số chợ trung tâm trên địa bàn Tp.Hà Nội, số lượng lớn các cửa hàng tại đây đều dán biển, giấy ghi lại số tài khoản ngân hàng, mã QR code,... để khách hàng có thể thanh toán dễ dàng.
Số lượng người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán này cũng chiếm phần lớn các chợ và cửa hàng nhỏ. Theo đó, chị Đoàn Thị Nhung, một tiểu thương tại chợ Láng Thượng cho biết: “Hiện tại, khách hàng mua tại quầy đến 50% người là chuyển khoản hay quét mã QR code, còn khi giao hàng tại nhà thì 100% họ đều chuyển khoản cho tôi. Người thanh toán như vậy phần lớn từ độ tuổi từ 20-35, hầu hết là sinh viên và người đi làm”.
“Khách hàng phần lớn sẽ dùng hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng, một số ít sẽ thanh toán qua ví điện tử như là Momo, VNPay, Shopeepay,...”, chị Nhung cho biết thêm.
Trao đổi với PV Người đưa tin về thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt ở một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Tp. Hà Nôi, ông Mạc Quốc Anh Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội (HANOISME) nhận định: “Hiện nay, do việc áp dụng những công nghệ trong thanh toán, các hoạt động áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đã được diễn ra trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc chuyển khoản thanh toán của các doanh nghiệp với doanh nghiệp hay các doanh nghiệp với các đơn vị cung ứng, rồi những thanh toán trong các khoản quản trị như lương, bảo hiểm,... tôi thấy rất hiệu quả.”
Theo ông Mạc Quốc Anh, việc thanh toán này sẽ tiết kiệm được thời gian hơn, việc không sử dụng tiền mặt còn có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, về rác thải. Trong tiền mặt đôi khi sẽ mang đến những căn bệnh ngoài da, khi truyền tay từ người nọ đến người khác, nhất là khi có căn bệnh truyền nhiễm như Covid-19.
Chia sẻ về lợi ích của việc thanh toán này, ông Nguyễn Duy Ánh, chủ một cửa tiệm tạp hoá nói: “Đầu tiên là tôi sẽ không cần trả lại tiền cho khách, khi bận rộn tôi sẽ không cần tính toán và trả lại cho họ. Kiểu thanh toán này còn giúp tôi bảo quản tiền dễ dàng hơn, khi ít trả lại tiền như vậy, tôi sẽ không cần có nhiều tiền mặt ở ngoài, đề phòng mất cắp, trộm cướp vặt”.
Về những bất lợi, ông Ánh cho rằng: “Có những lúc khách sẽ chuyển khoản nhầm, vì họ ấn nhầm tài khoản,... Nhưng vì việc thanh toán này gần như là lập tức, nên khi chưa thấy có thông báo trên điện thoại, tôi đã báo với họ ngay. Việc thanh toán nhầm cũng được giải quyết vì giờ đây đã có mã QR code, khách hàng có thể quét mã và thấy tài khoản của tôi. Vậy nên, đến hiện tại, tôi chưa thấy có gì bất lợi thêm”.
Còn về phần người tiêu dùng, chia sẻ về thói quen thanh toán và chi tiêu của mình, bạn Lê Thuỳ Dung, 24 tuổi cho biết: “Tôi là người ít khi dùng tiền mặt vì bảo quản tiền không tốt, nên từ khi có thể thanh toán không dùng tiền, tôi cảm thấy rất tiện lợi và dễ dàng. Tôi thường chi trả qua thẻ ngân hàng khi vào các siêu thị lớn và chuyển khoản ngân hàng tại các cửa hàng nhỏ”.
Tuy nhiên, một vài người dùng cũng gặp những bất cập nhất định khi sử dụng hình thức thanh toán này.
Theo đó, chị Nguyễn Thị Trang, 27 tuổi cho rằng: “Tôi thường sử dụng ví điện tử hay các đơn vị trung gian thanh toán khác vì họ có những mã giảm giá, hoàn tiền,... Ví dụ đôi lúc các cửa hàng như Circle K có chương trình thanh toán qua ví điện tử sẽ được giảm 50% hay khi thanh toán những đơn hàng trên 100.000 đồng, tôi sẽ có mã giảm giá từ 10-20% giá trị đơn hàng,... Ngoài ra, ví điện tử còn không có hạn mức thanh toán tối thiểu. Tuy nhiên, kiểu thanh toán này chỉ áp dụng được ở một số cửa hàng hay siêu thị lớn, còn những cửa hàng nhỏ phần lớn sẽ không chấp nhận thanh toán qua ví điện tử,...”.
“Thêm vào đó, một số ngân hàng chỉ cho chuyển khoản trên 50.000 đồng, nhưng khi tôi đến các cửa hàng nhỏ và mua một số lượng ít thì sẽ gặp phải tình huống nan giải là không thể chuyển khoản ngân hàng và cũng không sử dụng được ví điện tử, điều đó khiến tôi phải mua quá số lượng cần thiết để chi trả”, chị Trang chia sẻ thêm.
Yếu tố minh bạch sẽ khuyến khích xu hướng không tiền mặt
Tuy nhiên để tăng cường chuyển đổi số cũng như thực hiện Đề án của Chính phủ, giao dịch không dùng tiền mặt vẫn sẽ tiếp tục được phát triển và đẩy mạnh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Tp.Hà Nội. Để có thể làm được điều đó, ông Mạc Quốc Anh đề xuất: “Theo tôi là cần tính minh bạch, càng minh bạch sẽ khuyến khích được doanh nghiệp thực hiện hình thức thanh toán đó, ngoài ra cũng cần tuyên truyền về các chi phí không chính thức và những chi phí qua chính thức được giảm”.
Ngoài ra, cần tuyên truyền về các cơ chế chính sách được thông thoáng, thông tin đầy đủ, các chính sách về giảm chi phí không dùng tiền mặt, hoặc cần áp dụng nhanh chóng những công nghệ tối ưu hiện giờ, thì các doanh nghiệp sẽ không dùng tiền mặt nhiều hơn.
Về việc khuyến khích người dân, ông Quốc Anh đề xuất các kênh thanh toán cần gia tăng sự chọn lựa và tiện ích trong việc thanh toán không dùng tiền mặt phổ thông ở những chợ, hộ kinh doanh nhỏ lẻ,...
Sắp tới, Tp. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại một số các đơn vị bán lẻ. Theo đó Sở Công Thương thành phố sẽ hỗ trợ những đơn vị này triển khai thực hiện thanh toán dịch vụ bán lẻ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến nhằm tìm kiếm, kết nối với khách hàng, phát triển hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hàng hóa, để có thể đạt được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%; các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 65%; website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 75%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 45%; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động đạt 35%.