UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh phòng bệnh dại; tuyên truyền để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. Thành phố mong muốn người dân thấy được ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật.
Bên cạnh đó, UBND TP còn yêu cầu sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chi cục Thú y phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác phòng, chống bệnh dại; Thực hiện chương trình hợp tác về phòng, chống bệnh dại với các tổ chức.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: "Chúng tôi dự kiến 3-5 năm nữa, vào khoảng 2021 sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội".
Xoay quanh vấn đề trên, dư luận chia ra làm hai luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người đồng tình với mong muốn của TP.Hà Nội và cho rằng chó là loài vật thân thiện với con người, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, du khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ đô văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân lại cho rằng việc luật hóa cấm ăn thịt chó khó khả thi vì thịt chó cũng như thịt gà, cũng đều là động vật, đơn giản nó là một món ăn như bình thường, nhiều người đã ăn từ lâu.
Để rộng đường dư luận, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến về vấn đề này.
Xin chào ông, trước thông tin TP.Hà Nội tuyên truyền người dân không nên ăn thịt chó, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này? Món ăn này xuất phát đã lâu chưa?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, thịt chó là một món ăn, là thói quen lâu năm của người dân. Từ trước khi người Pháp chiếm Hà Nội thì đã trở thành "chuyện thường ngày". Đến những năm 1880, chợ Cửa Đông đã nổi tiếng với việc bày bán nhiều thịt chó, chủ yếu được vận chuyển từ nơi khác đến.
Theo nghiên cứu của cá nhân tôi, từ năm 1888, đã có thời gian người Pháp ban hành lệnh cấm ăn thịt chó, bởi theo quan niệm châu Âu, chó là con vật rất đáng yêu. Thời đó, cảnh sát phát hiện ai vi phạm thì sẽ phạt. Nhưng nhiều người vẫn ăn thịt chó và đã xảy ra vụ cháy lớn ở nội thành chỉ vì thui chó trộm.
Trước đề xuất khuyến khích người dân không nên ăn thịt chó, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên bởi nó rất phù hợp với xu thế thời đại, vừa là văn minh, vừa giáo dục lòng nhân ái.
Nhiều người dân vẫn lầm tưởng rằng món thịt chó là một “văn hóa ẩm thực” của người Việt, ông nghĩ sao về điều này?
Theo tôi, đây không phải là văn hóa ẩm thực mà là do thói quen ăn uống lâu đời của người Việt, càng không có văn hóa ăn thịt chó nào ở đây cả.
TP.Hà Nội muốn khuyến khích người dân không nên ăn thịt chó, nhưng hiện tại nó đã trở thành một món ăn quen thuộc. Vậy nếu muốn thay đổi suy nghĩ đó liệu có phải một điều khó khăn?
Đúng là việc này vô cùng khó, nhưng cứ cái gì khó lại không làm thì không bao giờ làm được cả. Nhất là những việc cần làm để người dân hiểu hơn như thế nào là tình yêu đối với thiên nhiên, với động vật, ở đây đặc biệt nói đến con chó - một loài vật rất thông minh, luôn quấn quít với con người.
Cũng không phải vì lý do là người nước ngoài nhìn vào, họ phản đối mà mình mới đưa ra cái phương án đề xuất đó. Vấn đề chính là muốn làm thay đổi suy nghĩ của người dân về chuyện ăn thịt một con vật gần gũi và yêu thương với con người.
Vậy theo ông, có giải pháp nào hữu hiệu để làm thay đổi suy nghĩ tích cực của người dân về việc này hay không?
Thực ra để thay đổi ngay suy nghĩ của người dân về vấn đề có nên tiếp tục ăn thịt chó nữa hay không là một việc rất khó. Đây mới chỉ là đề xuất chứ không phải lệnh cấm. Thiết nghĩ mọi việc đều phải thay đổi dần dần, chỉ có cách là tuyên truyền và giáo dục cho mọi người.
Xã hội ngày càng phát triển, theo thời gian thì bản thân mỗi con người, đặc biệt giới trẻ cũng sẽ đều có những thay đổi trong quan niệm về thế giới. Việc được giáo dục cộng với ý thức của giới trẻ ngày hôm nay cũng tác động rất lớn đến việc tiếp tục ăn thịt chó hay là không nên ăn. Nếu không có giáo dục, không có thông tin thì chắc tình trạng ăn thịt chó vẫn sẽ diễn ra.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 10/9, UBND TP.Hà Nội có văn bản khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.
Chính quyền Thủ đô cho rằng, việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại. Ngoài ra, những người tham gia giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: bệnh dại, tả, xoắn khuẩn...
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 500.000 con chó, mèo. Trong đó trên 87% nuôi với mục đích giữ nhà, còn lại nuôi làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm.