Liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội, PV báo điện tử Người Đưa Tin cũng đã lắng nghe ý kiến từ ông Nguyễn Khắc Kính, nguyên Vụ trưởng vụ Thẩm định và đánh giá tác động Môi trường.
Thưa ông, không khí Hà Nội những ngày qua đang ở mức ô nhiễm rất xấu. Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường. Nhiều ý kiến cho rằng, người lao động có quyền nghỉ ở nhà vào những ngày ô nhiễm, đó là biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân mình và cũng là để tránh thêm ô nhiễm. Ý kiến của ông như thế nào?
Tôi với tư cách là một công dân, là người đã từng làm trong lĩnh vực môi trường, tôi không tán thành giải pháp người dân nên ở nhà để tránh ô nhiễm. Bởi, người lao động cũng cần phải đi làm để sinh sống, đây không phải là giải pháp hữu hiệu.
Là người từng công tác trong lĩnh vực môi trường, theo ông không khí ở Hà Nội càng ngày càng ô nhiễm là do đâu?
Phải tìm ra nguyên nhân không khí ô nhiễm là gì thì mới chữa được. Bằng kinh nghiệm, bằng nguyên lý khoa học tôi cho rằng nguyên nhân ô nhiễm là do khí thải ra quá mức nên không khí Hà Nội không thể tự làm sạch.
Chủ yếu là phương tiện giao thông, còn do nhà máy xả thải thì Hà Nội không có nhiều nhà máy.
Trong môi trường đã có vượt qua giới hạn tối hạn không có khả năng phục hồi thì ô nhiễm, ô nhiễm khắc phục không đơn giản, mà phải tìm ra nguyên nhân.
Nhiều ý kiến của người dân cho hay, họ cảm nhận rằng cơ quan chức năng chưa đưa ra được một giải pháp nào hữu hiệu để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí. Ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng, các cơ quan liên quan cũng đang “lực bất tòng tâm”. Còn hiện nay, bầu không khí Hà Nội không còn sức chịu tải đối với khí thải phát ra.
Bản thân ông có những kiến nghị, giải pháp như thế nào để có thể giảm thiểu hoặc bớt ô nhiễm không khí tại Hà Nội?
Có thể nói, không khí Hà Nội ô nhiễm do khí thải phương tiện giao thông, nhưng để loại bỏ rất khó. Muốn giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, điều đầu tiên phải giải quyết vấn đề sức chịu tải khí thải ở Hà Nội.
Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan có liên quan, đặc biệt bộ Tài nguyên và môi trường cần tìm rõ nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ để “điểm huyệt” vào. Cần làm một cách rốt ráo, bài bản sau đó kiến nghị một biện pháp kiên quyết, kể cả cấm không bán thêm ô tô tại Hà Nội.
Trước đó, sau nhiều ngày liên tiếp duy trì mức độ ô nhiễm không khí ở thang màu tím (nguy hại cho sức khỏe con người), ngày 13/12, ứng dụng Air Visual cập nhật chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội đã chuyển sang khung màu nâu - cực kỳ nguy hại.
Với AQI = 333, Thủ đô Hà Nội đã vượt qua Dhaka - Bangladesh và Sarajevo, Bosnia Herzegovina, trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu, theo bảng xếp hạng của Air Visual. Lúc này, chỉ số AQI tại TP.HCM cũng khá cao - 166 - ở mức màu đỏ, có hại cho sức khỏe.