Chiều 4/10, Kỳ họp thứ 18 HĐND Tp.Hà Nội đã cho ý kiến về Chương trình phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn đến năm 2035. Chương trình áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến Chương trình phát triển đô thị.
Bảo đảm nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị
Trình bày tờ trình của UBND Tp.Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Chương trình đã đánh giá hiện trạng, xác định các tiêu chuẩn và tiêu chí, các vấn đề cần giải quyết đối với 12 quận hiện có và 5 huyện (Hoài Đức; Thanh Trì, Gia Lâm; Đông Anh Đan Phượng) có kế hoạch phát triển quận, đáp ứng phân loại đô thị TP; tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính TP - là điều kiện cần đối với các hồ sơ đề án thành lập quận.
Chương trình bảo đảm nhiều nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị, trong đó có phù hợp quy hoạch; phát triển đồng bộ; khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường; tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị, bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hoà với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử hiện có.
Chương trình phát triển đô thị Tp.Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 bao gồm nội dung cơ bản là tỉ lệ đô thị hóa toàn TP hiện nay đạt khoảng 49,1%; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2030 toàn TP phấn đấu đạt khoảng 55-65%; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2035 toàn TP đạt khoảng 60-70%.
Số lượng quận, danh mục quận dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và quận, phường dự kiến thành lập mới gồm gồm 16 quận (12 quận hiện có và 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì dự kiến thành lập quận).
Số lượng đô thị, danh mục đô thị, đô thị dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và đô thị dự kiến thành lập mới thuộc TP trực thuộc Trung ương theo phân loại đô thị sẽ tuân thủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, hoàn thành chỉ tiêu chất lượng đô thị của 16 quận nội thành tương đương đô thị loại đặc biệt theo quy định của Luật Thủ đô; công nhận TP loại III - Sơn Tây trực thuộc Thủ đô.
Phấn đấu diện tích cây xanh toàn đô thị đạt 6m2/người
Theo Chương trình, Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía bắc theo Quy hoạch chung để tiến tới hình thành TP phía bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh trong giai đoạn đến năm 2045; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai để tiến tới hình thành TP phía Tây trong giai đoạn đến năm 2045; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại khu vực Phú Xuyên, Thường Tín để tiến tới hình thành TP phía nam trong giai đoạn đến năm 2045. Công nhận 10 thị trấn loại V.
Về mật độ dân số, toàn đô thị của Tp.Hà Nội đạt trên 3.000 người/km2. Mật độ dân số trong khu vực nội thành, nội thị, thị trấn giai đoạn đến năm 2035 đạt 12.000 người/km2.
Diện tích đất tự nhiên toàn đô thị (km2) không bao gồm diện tích núi cao, mặt nước, không gian xanh có giá trị là vùng sinh thái, khu dự trữ thiên nhiên được xếp hạng về giá trị sinh học và các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của toàn Tp.Hà Nội là 2.414 km2 .
Diện tích xây dựng đô thị trong khu vực nội thành đến năm 2035 (bao gồm tổng diện tích 12 quận và 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) là 540km2.
Khu vực các đô thị còn lại sẽ theo định hướng Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được phê duyệt.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực nội thành phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Giai đoạn đến năm 2035 trung bình đạt khoảng 28m2 sàn/người (đã bao gồm diện tích nhà ở tăng thêm tương ứng với dân số dự báo) trong đó ưu tiên đầu tư tái thiết nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội.
Diện tích cây xanh toàn đô thị bình quân đầu người phấn đấu đến năm 2035 đạt 6m2/người. Diện tích cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành phấn đấu đến năm 2035 đạt 4m2/người…
Dự kiến sơ bộ nhu cầu kinh phí tổng thể và trong khung thời gian của Chương trình, giai đoạn thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các chương trình, đề án tối thiểu hơn 2,9 triệu tỷ đồng.