Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 12 và 13/6 (vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật) với khối không chuyên.
Ngoài thi muộn hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu, thời gian làm bài cũng được rút ngắn. Môn Ngữ văn và Toán giảm từ 120 phút xuống còn 90 phút, Ngoại ngữ và Lịch sử từ 60 xuống còn 45 phút.
Thay vì thi làm 3 buổi như trước, thí sinh có nguyện vọng vào các trường THPT công lập không chuyên sẽ chỉ thi trong 2 buổi sáng 12-13/6. Thí sinh thi chuyên sẽ thi thêm ngày 14/6, chương trình song bằng thi thêm ngày 15-16/6.
Cụ thể, sáng 12/6: Thi Ngữ văn 90 phút và Ngoại ngữ 45 phút.
Sáng 13/6: Thi Toán 90 phút và Lịch sử 45 phút.
Ngày 14/6 và 15/6, thí sinh dự thi vào các trường, khối chuyên của Hà Nội và chương trình song bằng sẽ dự thi các môn chuyên và môn thi của chương trình song bằng.
Việc điều chỉnh trên nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, đồng thời căn cứ diễn biến thực tế của Covid-19 ở Hà Nội và kết quả thăm dò ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh lớp 9.
"Với điều chỉnh này, thời gian làm bài được rút ngắn sẽ giúp giảm áp lực, đảm bảo an toàn hơn khi các thí sinh thực hiện quy định phòng, chống dịch, không được sử dụng điều hoà. Vào các buổi chiều, lực ượng phục vụ điểm thi sẽ làm công tác vệ sinh, khử khuẩn. Việc bố trí một buổi sáng có hai môn thi cũng giúp phụ hynh không phải di chuyển đưa đón con nhiều lần, giảm tình trạng tập trung đông người ở ngoài khu vực thi", ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết.
Dù thời gian làm bài mỗi môn được rút ngắn nhưng cấu trúc và hình thức đề thi vẫn không thay đổi so với kế hoạch cũ. Tuy nhiên, mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng sẽ được tinh giảm phù hợp. Số lượng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử (không chuyên) là 30 câu, giảm 10 câu so với kế hoạch cũ. Việc giảm bớt số câu sẽ theo nguyên tắc "giảm một số câu ở từng phần trong cấu trúc đề thi nhưng vẫn đảm bảo sự phân hoá để lựa chọn được những thí sinh đủ năng lực theo yêu cầu của công tác tuyển sinh".
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đồng ý với đề xuất của sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về phương án xét tuyển với thí sinh thuộc diện F0, F1, F2. Theo đó, thí sinh đã đăng ký dự thi được chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1: Thí sinh thuộc diện F0, F1. Nhóm này sẽ được tuyển thẳng vào trường công lập có nguyện vọng đăng ký dự tuyển.
Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định nguyện vọng trúng tuyển thẳng của thí sinh thuộc nhóm 1 không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của thí sinh thuộc các nhóm khác tại mỗi trường THPT công lập.
Nhóm 2: Thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhóm thí sinh này sẽ được áp dụng phương thức xét tuyển theo công thức:
Điểm xét tuyển = Điểm THCS + Điểm trung bình môn Toán + Điểm trung bình môn Ngữ văn + Điểm trung bình môn Ngoại ngữ + Điểm trung bình môn Lịch sử + Điểm ưu tiên.
Trong đó, điểm THCS là tổng số điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Điểm kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp THCS của học sinh được tính như sau: Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi: 5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá: 4,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực khá: 4 điểm.
Nhóm 3: Các đối tượng thí sinh còn lại, được phép đến trường thi với 4 môn thi đã công bố.
Thời gian để phân loại đối tượng thí sinh là tính đến ngày 11/6. Các trường hợp phát sinh từ ngày 12 đến 13/6 sẽ được xem xét bổ sung theo quy định. UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xác nhận đối tượng thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2.
Năm nay, toàn TP Hà Nội có hơn 93.300 thí sinh thi vào lớp 10 tại 190 điểm thi. Tính đến ngày 31/5, toàn thành phố có 11 học sinh lớp 9 diện F1, 133 học sinh diện F2 và không em nào mắc Covid-19. Việc rà soát học sinh trong diện F0, F1, F2 vẫn được thực hiện.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Tuổi Trẻ)