Hà Nội rung chuông đón giao thừa: Xưa nay vẫn thế

Hà Nội rung chuông đón giao thừa: Xưa nay vẫn thế

Nguyễn Văn Báo

Nguyễn Văn Báo

Thứ 4, 04/01/2017 18:54

BQL đền Quán Thánh, chuyên gia, hòa thượng khẳng định “rung chuông đêm giao thừa” là phong tục xưa nay đã có. Khi giao thừa đến sẽ rung chuông 3 hồi 9 tiếng.

Liên quan đến dự định vận động các đến, chùa, nhà thờ đồng loạt rung chuông cộng hưởng khi thời khắc giao thừa đến thay cho việc bắn pháo hoa mà Sở VHTT Hà Nội đưa ra mới đây, PV báo Người Đưa Tin đã tìm hỏi ý kiến một số chuyên gia văn hóa, Ban quản lý đền, chùa tại Hà Nội về sáng kiến này.

Bà Trần Lệ Thúy – cán bộ Ban quản lý di tích đền Quán Thánh (Hà Nội) cho biết: Rung chuông vào thời khắc giao thừa chuyển giao sang năm mới là việc quen thuộc mà xưa nay đền Quán Thánh vẫn làm.

“Năm nào ở đây cũng vậy, đúng 24 giờ đêm giao thừa thì sẽ rung chuông 3 hồi 9 tiếng để đánh dấu thời khắc chuyển giao sang năm mới”, bà Thúy nói.

Văn hoá - Hà Nội rung chuông đón giao thừa: Xưa nay vẫn thế

Tiếng chuông Trấn Vũ (ngày nay gọi là đền Quán Thánh) nổi tiếng và đã đi vào ca dao - (Ảnh: Nhất Nam).

Theo bà Thúy, việc rung chuông lúc giao thừa là việc làm tâm linh ở các đền, chùa có từ thời xưa đến nay. “Chẳng phải ở đâu nhắc, đó là việc làm tâm linh mà ở đền chúng tôi vẫn làm, xưa nay đều thế”.

Bà Thúy cho biết, tại di tích đền Quán thánh ngoài 2 chiếc chuông cỡ lớn được treo phía trên cổng đền thì còn có một số chuông nhỏ để trong đền để khi người dân đến lễ họ sẽ tự đánh để thỉnh cầu.

Tuy nhiên, với 2 chiếc chuông lớn ở cổng thì chỉ khi thời khắc giao thừa hoặc dịp lễ hội thì trụ trì của đền sẽ đích thân rung.

Nói về tiếng chuông ở đền Quán Thánh vị cán bộ Ban quản lý di tích cho biết, tiếng chuông ở đền đã đi vào ca dao dân gian. “Đây chính là tiếng chuông Trấn Vũ trong câu  ca dao “Gió đưa cành trúc la đà - Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương - Mịt mù khỏi tỏa ngàn sương - Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”, bà Trần Lệ Thúy nói.

Cũng theo bà Thúy, đền Quán Thánh xưa còn có tên là Trấn Vũ. Và tiếng chuông ở đây thì rất đặc biệt: “Tiếng chuông Trấn Vũ ngân vang thêm không gian thoáng đạt của hồ Tây càng vọng xa… Có lẽ những năm trước mọi người mải ngắm pháo hoa nên quên mất tiếng chuông đêm giao thừa”, bà Thúy chia sẻ.

Nói thêm về ý nghĩa tiếng chuông đêm giao thừa bà Thú cho hay: “Tiếng chuông không chỉ báo hiệu năm cũ đã và qua năm mới đến mà mang ý nghĩa cầu bình an, an lành cho mọi người”.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, việc đánh chuông đêm giao thừa đã trở thành thông lệ của hầu hết các chùa ở Việt Nam.

Hòa thượng Tâm chia sẻ: “Tiếng chuông đêm giao thừa không chỉ đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới. Trong mỗi tiếng chuông đều mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ”.

Một cha xứ ở Hà Nội cũng cho hay, không cần các cơ quan chức năng vận động mà dịp Giáng sinh hay Giao thừa các nhà thờ đều đánh chuông để báo hiệu một năm mới đã đến. Tiếng chuông của nhà thờ cũng để thể hiện mong ước, nguyện cầu sự an lành với mọi người và hòa bình cho thế giới.

Trao đổi về điều này với PV, Nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, GS.TS Trần Lâm Biền bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng trên và cho rằng, thỉnh chuông vào đêm giao thừa là điều đúng đắn. “Qúa tuyệt vời đi”, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền nói khi đề cập đến việc tất cả các chuông chùa cùng vang lên đồng loạt vào khoảnh khắc giao thừa.

GS. Biền cũng khẳng định, việc thỉnh chuông vào thời khắc giao thừa đón chào năm mới là điều vẫn được làm và không có gì lạ.

“Tiếng chuông vào lúc giao thừa là rất tốt về đạo và đời. Nó thể hiện sự reo mừng, đó là điều nên làm thể hiện sự đón sinh khí. Tiếng chuông đó theo quan niệm dân gian là nhằm thể hiện sự giao hòa giữa trời đất, xua đuổi những âm khí, đón khí xuân ấm áp về”, GS. Biền nói.

"Đó là điều tốt và xưa nay, người ta đã từng làm. Đúng ra vào Giao thừa là vừa đốt pháo hoa, vừa đánh chuông nhưng bao lâu nay, chúng ta quên mất việc rung chuông.

Nhất là lúc đại hồng chung mà gõ lên lúc đầu xuân thì tính nhân ái rất cao, bởi vì lúc đó, theo quan niệm dân gian, đối với các hình phạt dưới âm ti sẽ được ngơi nghỉ và những người chết oan sẽ được theo tiếng chuông về nơi siêu sinh...

Theo quan niệm, mùa đông là mùa gắn với sinh khí có phần cạn kiệt còn mùa xuân gắn với dương khí dồi dào. Vui mừng đón dương khí bằng việc gõ chuông, đó là điều quá tốt đẹp", GS Biền nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, phải dùng từ thỉnh chuông ở chùa mới đúng, còn đối với nhà thờ thì dùng kéo chuông.

“Ở các nhà thờ thì người ta cũng kéo chuông vào dịp giáng sinh và năm mới. Khi tiếng chuông reo lên tất cả như hòa lại, con người ta sẽ gắn bó, yêu thương nhau hơn…” Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền kết luận.

Nhất Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.