Hà Nội sẽ có thêm 8 cầu vượt di động

Thứ 6, 28/12/2012 00:09

Để góp phần giải "bài toán" ách tắc giao thông, mới đây Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất xây dựng thêm 8 cây cầu cạn tại các nút giao thông trọng điểm.

Điều đặc biệt, những cây cầu này được làm bằng một loại vật liệu mới: Vật liệu thép nên có thể dễ dàng "bứng" đi nơi khác khi cần thiết.

Cân nhắc ưu - khuyết

Theo đánh giá của Sở GTVT, hiện ở thành phố, mức độ đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn chưa nhiều so với sự phát triển về giao thông nên việc xây thêm 8 cây cầu vượt này là cần thiết. Những cầu này sẽ không làm bằng kết cấu bê tông dự ứng lực như nhiều công trình trước đó mà được thay bằng kết cấu thép.

Cầu làm bằng vật liệu thép có chi phí cao hơn nhưng bù lại, thời gian thi công sẽ ngắn hơn nhiều, có thể lắp ráp từ trong nhà máy. Cụ thể, chỉ mất từ 6 - 8 tháng công trình sẽ hoàn thành, tránh ùn tắc tại điểm xây dựng. Trường hợp cầu không còn nhu cầu sử dụng nữa vẫn có thể thu hồi để sử dụng lại hoặc di chuyển sang địa điểm khác.

Sở GTVT cho biết từ 1/6 đến trước tháng 9 sẽ thiết kế và chuẩn bị trình thành phố phê duyệt để đảm bảo đến trước tháng 9 năm nay có thể triển khai xây dựng trước 5 nút giao thông. Theo một cán bộ Sở GTVT, do cầu kết cấu thép là công nghệ mới nên cho đến thời điểm này Sở vẫn chưa tính được cụ thể kinh phí thực hiện.

Dự kiến trong năm nay Hà Nội sẽ có thêm 8 cầu vượt

Đánh giá chung về loại cầu làm bằng thép, TS. Khuất Việt Hùng Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải cho rằng ưu điểm là kết cấu thép dễ chế tạo, thi công nhanh không đòi hỏi giải phóng nhiều mặt bằng mà chỉ xén bớt vỉa hè, giải phân cách. Tuy nhiên, khả năng chịu lực của kết cấu thép không cao bằng kết cấu bê tông dự ứng lực vì thế chỉ có thể đảm bảo cho xe có tải trọng nhỏ lưu thông.

Một giảng viên khoa Cầu đường, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội thì cho rằng tuy vật liệu thép gia công dễ dàng, thời gian ngắn nhưng dễ bị gỉ nên tốn kém chi phí bảo dưỡng. Nếu công trình dùng các loại thép không gỉ thì chi phí sẽ rất cao. Bên cạnh đó thép khó tạo hình dạng hơn bê tông nên những cây cầu bằng thép thường có bán kính cong khá lớn.

Coi chừng thêm cầu, thêm ách tắc?

Theo TS. Khuất Việt Hùng Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải, cần nghiên cứu và phân tích kỹ trước khi thực hiện đề án xây dựng 8 cầu cạn mới này. Theo ông, việc đặt cầu vượt nằm trong đường vành đai 2 và một số tuyến trọng yếu như Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng có thể gặp một số khó khăn.

Nếu đặt cầu vượt theo hướng chạy suốt (chạy thẳng) sẽ dẫn đến việc tốc độ giao thông vào trong trung tâm rất nhanh, tỉ lệ nghịch với khả năng lưu thông trong trung tâm vốn hạn chế, dẫn đến gây áp lực giao thông cao trong nội đô. "Vận tốc lưu thông ở những nút này cao thì có thể giải quyết giao thông ở nút này; nhưng có thể gây nguy cơ cao trong việc gây ách tắc giao thông ở những điểm khác", ông Hùng phân tích.

Từ những phân tích trên, ông Hùng cho rằng cần có phân tích, mô phỏng được tác động giao thông như: Mô phỏng được vận tốc giao thông, những tác động của nó đến các điểm tiếp theo. Từ đó mới có thể biết được xây cầu này có giải quyết được ách tắc giao thông?

Cũng băn khoăn về vị trí đặt cầu, ông Mai Văn Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho rằng "cần nghiên cứu kĩ bởi chỉ trong độ dài khoảng 3km từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long, mà các phương tiện tham gia giao thông phải vất vả leo tới 3 cây cầu là điều còn chưa hợp lý".

Thành Huế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.