Chia sẻ tại tọa đàm "Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?" sáng 23/11, ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GTVT Hà Nội cho biết sau hai tháng triển khai xe đạp công cộng ở Tp.Hà Nội, thống kê đã có hơn 100.000 lượt đăng ký tham gia, gần 1 triệu km di chuyển và trung bình có 2.000 lượt di chuyển/ngày. Bước đầu, đây là điểm sáng và do đó cần tạo điều kiện để xe đạp công cộng phát triển.
Cũng theo ông Thành, xe đạp công cộng không phải lần đầu tiên được triển khai ở Hà Nội. Trước đó, năm 2014, Công ty CP Môi trường xanh từng thí điểm xe đạp công cộng nhưng quy mô hẹp ở bốn trường đại học: Điện lực, Công nghiệp, Thương mại, Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Nhưng hoạt động thử nghiệm này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì nhiều điều kiện khó khăn nên phải tạm dừng.
Do vậy, sau hơn 2 tháng triển khai mô hình này, cần có một số điều phải chú ý để hướng đi này có thể tiếp tục phát triển.
Thứ nhất, giai đoạn đầu của người dân chỉ là trải nghiệm. Thứ hai, hạ tầng để triển khai còn nghèo nàn. Cùng đó, các nghiên cứu chuyên sâu về hạ tầng chưa có và cũng chưa có thể chế pháp lý để phục vụ cho dịch vụ này. Doanh nghiệp cũng chưa quan tâm và nền tảng công nghệ của người dân còn ít.
"Để triển khai việc này, thời gian tới còn một số điều ta cần quan tâm. Đó là điều kiện hạ tầng vận tải xe đạp công cộng. Ta phải xác định đây là một trong những cấu phần vận tải nói chung. Ở Hà Nội, có ngõ nhỏ, ngõ hẹp nên phải xác định xe đạp là phương tiện transit và kết nối của người dân để đi tới các khu vực có hạ tầng công cộng.
Thủ tướng cũng ban hành Nghị định 49, có điểm quan trọng cho Tp.Hà Nội và Tp.HCM là nghiên cứu các hệ thống đường dành riêng cho xe đạp, tăng cường các bãi đỗ xe tiếp cận hệ thống nhà ga, bãi đỗ", ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang khẩn cấp nghiên cứu hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp và đủ điều kiện sẽ triển khai vào năm 2024.
Thứ nhất là đường chạy dọc sông Tô Lịch, có đường dành cho người đi bộ và ta có thể tận dụng để triển khai. Tiếp theo là hệ thống hè quanh công viên Hòa Bình, mở rộng các không gian, tiếp cận các khu vực vui chơi du lịch, văn hóa, mua sắm...
"Đối tượng hành khách sử dụng app hiện nay chủ yếu là người trẻ, còn người già chưa tiếp cận được công nghệ. Do đó, doanh nghiệp phải nghiên cứu để áp dụng rộng rãi công nghệ, vì nếu không sẽ làm khó cho một số đối tượng.
Bên cạnh đó, cần sự điều tiết của nhà nước, không thể phát triển nóng để dẫn tới những thất bại từng có. Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và chúng tôi cho rằng phải có sự điều tiết, khống chế.
Điều nữa là vấn đề quản lý xe. Chúng ta phải đa dạng loại hình dịch vụ, đa dạng doanh nghiệp và phải hài hòa lợi ích của các đối tượng", ông Thành nhấn mạnh.
Liên quan đến việc nhiều điểm đỗ xe đạp công cộng hiện nay vẫn ở ngoài trời, thời gian lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phương tiện, ông Phan Trường Thành cho biết hạ tầng dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội chưa đồng bộ, do đó trước mắt doanh nghiệp triển khai cần lưu tâm hơn trong việc bảo quản. Trong tương lai, Sở GTVT đang thiết kế để các khu vực nhà ga ở các tuyến đường sắt đô thị, bến xe sẽ dành một phần diện tích có mái che để cho xe đạp công cộng.
Ngoài ra, về lâu dài, để người dân chuyển từ xe máy sang xe đạp, cần có chế tài, đơn cử những chỗ đỗ xe sẽ ưu tiên 70% cho xe đạp và chỉ có 30% cho xe máy.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng sẽ tham mưu các chính sách, cơ chế đặc thù riêng cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung và xe đạp công cộng nói riêng đưa vào các Luật Đường bộ, Luật TTATGT và Luật Thủ đô.