Theo cơ quan này, việc tổ chức bán vé, quản lý điều hành và giám sát phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng hình thức thủ công, bộc lộ nhiều hạn chế.
Việc sử dụng vé xe buýt điện tử sẽ thực hiện vào cuối năm 2012
Do đó, nhiều người hi vọng, việc xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống vé điện tử (Q-Ticket) sẽ đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế, giảm thất thoát, chi phí cho khâu phát hành vé và giảm nhân lực soát vé trên xe buýt. Hơn nữa, đây cũng được coi là biện pháp xóa bỏ tình trạng in vé thủ công, lạc hậu, tốn kém.
Trước đó, theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) cho rằng, việc phân phối vé thủ công, thực hiện rà soát vé bằng mắt thường, xác nhận vé bằng tay nên cũng dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình bán vé; cách tính vé tháng không chính xác, không quản lý chính xác lượng khách đi từng tuyến, liên tuyến, vé lượt, vé thẻ...
Chính vì thế, cơ quan này đã có tờ trình gửi UBND Hà Nội cho phép đầu tư xây dựng hệ thống vé xe buýt tự động. Theo lãnh đạo Sở GTVT, việc đổi mới hệ thống vé tiên tiến, linh hoạt sẽ thuận lợi cho người sử dụng và công ty trong việc kiểm tra, quản lý doanh thu.
Được biết, đề án xây dựng hệ thống thẻ xe buýt tự động được giao cho Tổng Công ty vận tải Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Hanel nghiên cứu đầu tư xây dựng cùng với việc quản lý giám sát hành trình xe buýt theo hình thức xã hội hóa với 100% là vốn doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định: “Việc dùng thẻ xe buýt tự động là một bước đột phá của giao thông Hà Nội. Phương pháp này sẽ giảm tải cho tình trạng người dân phải chen chúc ở các trạm xe buýt mua vé tháng và tiết kiệm được thời gian cho Công ty vận tải và khách hàng”.
Theo ông Hùng, nếu áp dụng thành công, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội có thể giám sát hoàn toàn lộ trình của hệ thống xe buýt trên địa bàn. Tuy nhiên, cùng với đó, họ phải nghiên cứu đổi mới lộ trình tuyến buýt cho phù hợp và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên xe buýt.
Cũng theo ông Hùng, phương án trên sẽ kiểm soát tình trạng lái xe buýt đi ẩu, đi nhanh, hay bỏ tuyến. Dự kiến, số kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống vé xe buýt tự động (Q-ticket) có tích hợp giám sát hành trình xe buýt (GPS) khoảng 270 tỷ đồng. Dự án này sẽ thử nghiệm giai đoạn 1 vào cuối năm 2012 và chính thức vận hành toàn hệ thống vào năm 2013.
Đã từng áp dụng thất bại Trao đổi với Người đưa tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết: Việc dùng thẻ xe buýt tự động là phương pháp không mới, vì trên thế giới rất nhiều nước đã áp dụng. Năm 2008, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã thí điểm sử dụng loại thẻ thông minh này ở tuyến buýt số 32 (Nhổn – Giáp Bát) tuy nhiên bị phá sản. Lúc đó, nguyên nhân được xác định là do cơ quan này chỉ được áp dụng một tuyến, không mang tính phổ biến toàn mạng lưới nên gây bất tiện cho người sử dụng. Hơn nữa, việc chưa có chế tài xử phạt đối với hành khách không quẹt thẻ nên cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý. “Theo tôi, việc dùng thẻ xe buýt thông minh có thể áp dụng được ở Hà Nội, tuy nhiên bước đầu, chỉ nên thử nghiệm một số tuyến. Đến khi hệ thống đã ổn định, hoạt động có hiệu quả thì chúng ta mới thực hiện mở rộng. Thậm chí, hoàn toàn có thể áp dụng trên cả nước”, ông Hùng cho biết. |
Lạc Thành