Mới đây, UBND Tp.Hà Nội đã chấp thuận đề xuất tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo quy định của Luật Kiến trúc.
Theo đó, Tp.Hà Nội giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Trước đó, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Nguyễn Trúc Anh đã có văn bản báo cáo UBND Tp.Hà Nội về các vấn đề liên quan đến phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Cụ thể, ngày 28/9/2021, Sở đã tổ chức buổi làm việc với Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan để trao đổi, làm rõ, từ đó đề xuất triển khai thực hiện tiếp việc tuyển chọn (hoặc thi tuyển) phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã đánh giá công tác tổ chức tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo thời gian qua là nghiêm túc, bài bản và tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc chỉ có một đơn vị tư vấn chuyên ngành về giao thông (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – TEDI) nghiên cứu đề xuất các phương án về kiến trúc cầu là chưa hợp lý mà cần có sự hợp tác với các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc có uy tín (kể cả quốc tế).
Liên quan đến phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, sáng 12/10, trao đổi với Người Đưa Tin, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhận định: “Việc thi tuyển kiến trúc từng có tiền lệ và hội đồng chấm tuyển đã lựa chọn từ nhiều phương án. Ví dụ như cầu Nhật Tân, thời tôi còn công tác, có rất nhiều phương án để "so bó đũa, chọn cột cờ"”.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, những công trình quan trọng cần phải có thi tuyển phương án thiết kế nhằm huy động trí tuệ, sự sáng tạo, thu hút nhiều ý tưởng độc đáo.
“Khi xây dựng bất kỳ phương án nào phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Phương án thi tuyển được điểm cao nhất sẽ là một trong những cơ sở để sau này lựa chọn chứ không phải cứ phương án nào được chấm điểm cao nhất là tổ chức thi công ngay”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm lưu ý.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, cầu Trần Hưng Đạo là cầu trong nội đô lịch sử, kết nối các khu trung tâm, tạo tiền đề cho sự phát triển đô thị trung tâm; giúp hình thành sự liên kết mới, gắn kết với phía bắc sông Hồng. Đây là vai trò quan trọng của cầu Trần Hưng Đạo.
“Việc thiết kế cầu ra làm sao, phong cách như thế nào thì trong khi thi tuyển cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Trong thực tiễn của Hà Nội cũng như các nước trên thế giới, mỗi cây cầu là một biểu tượng văn hóa, khoa học kỹ thuật của một thời kỳ nhất định. Theo tôi, việc thi tuyển là cần thiết. Khi lựa chọn phương án thiết kế phải thận trọng và học tập kinh nghiệm từ các nước. Điều quan trọng, phải thống nhất được quan điểm, thực hiện đúng pháp luật”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Nói về phương án thiết kế, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Thiết kế phải mang biểu tượng văn hóa, kết nối được nội đô lịch sử của Hà Nội với những khu vực phát triển mới. Về phong cách kiến trúc, lựa chọn phong cách thiết kế châu Âu hay Đông Dương thì phải tùy vào tầm, tác động của định hướng đến người sáng tạo”.
Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - TS.KTS Phan Đăng Sơn vừa ký văn bản gửi UBND Tp.Hà Nội góp ý về kiến trúc dự án cầu Trần Hưng Đạo.
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cầu Trần Hưng Đạo là dự án giao thông quan trọng bắc qua sông Hồng, 1 trong 18 cây cầu hiện đại được xây dựng theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cầu được xây dựng sẽ góp phần vào phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô, đồng thời tạo diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội, một điểm nhấn kiến trúc quan trọng. Việc lựa chọn hình thức kiến trúc cầu cần được cân nhắc xem xét, nghiên cứu cẩn trọng, không nên tiếp tục vận dụng yếu tố quá độ quy định pháp luật theo hình thức tuyển chọn, thực hiện thi tuyển kiến trúc theo quy định của Luật Kiến trúc với dự án cầu Trần Hưng Đạo.
Đánh giá về phương án được Hội đồng tuyển chọn kiến trúc cầu mang “phong cách cổ điển xứ Đông Dương”, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm không nên lặp lại phong cách kiến trúc “Đông Dương” như thuyết minh của tác giả đồ án.
Hơn nữa, phương án đưa ra từ đầu đến nay cũng không phải là phong cách kiến trúc Đông Dương mà là hình thức mô phỏng khiên cưỡng, pha trộn với nhiều chi tiết kiến trúc châu Âu từ thời trung cổ… Nếu muốn khai thác giá trị kiến trúc Pháp thuộc thì chỉ nên phát triển tinh thần cốt lõi của kiến trúc đó trong kiến trúc cầu hiện đại. Đó là sự ổn định, đĩnh đạc, sang trọng, thanh nhã.
Ngân Giang