Không giấy phép hoạt động, không có văn bản thông báo đủ điều kiện gửi cơ quan chức năng theo quy định, nhân viên cũng không có chứng chỉ hành nghề chuyên môn nhưng nhiều cơ sở thẩm mỹ viện, massage trên địa bàn thành phố vẫn ngang nhiên thực hiện các dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục cho phép.
Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng của người dân và biến tấu dịch vụ.
Mới đây, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành công văn số 6328/UBND-KGVX về tăng cường quản lý hoạt động đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ massage.
Văn bản dựa trên tờ trình của sở Y tế về việc xin phê duyệt phương án phân cấp quản lý hoạt động đối với các cơ sở này.
Trong văn bản yêu cầu các sở ngành liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động thẩm mỹ, massage, đặc biệt nhấn mạnh tăng cường kiểm tra việc cấp chứng chỉ hành nghề.
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước và hướng dẫn các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn thực hiện đúng quy định của Chính phủ.
Nhiệm vụ của sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. là chủ trì phối hợp với các đơn vị cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở đào tạo, dạy nghề cấp giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da và massage trên địa bàn.
Trước đó, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã đưa ra dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Trong dự thảo này quy định rõ 8 danh mục công việc cấm người Việt Nam làm việc ở nước ngoài, trong đó, ngành nghề massage là một trong những nghề bị cấm vì theo bộ LĐ,TB&XH, đây là công việc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Việc nghiêm cấm DN đưa lao động đi nước ngoài làm nghề massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Minh Anh (tổng hợp)