Hà Nội tăng giá vé gửi xe từ 1/1/2018: "Cần quản lý minh bạch, tránh tát nước theo mưa"

Hà Nội tăng giá vé gửi xe từ 1/1/2018: "Cần quản lý minh bạch, tránh tát nước theo mưa"

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 3, 05/12/2017 19:00

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe là đúng nhưng cần có biện pháp quản lý minh bạch, rõ ràng, tránh cá nhân lợi dụng kiếm lời, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Hôm nay, kỳ họp HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết cho phép tăng phí sử dụng hè, đường từ 1/1/2018.

Theo đó, mức giá trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố mới, sẽ được áp dụng cụ thể, xe máy tăng từ 3.000 đến 5.000 đồng/xe/lượt, ô tô tăng từ 30.000 đến 50.000 đồng/xe/lượt. Có những khu vực mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1.700.000 đồng lên 2.600.000 đồng/ô tô/tháng. Thu phí sử dụng lòng đường, hè phố ở một số tuyến phố cũng tăng gấp 3 lần.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Phó Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, vấn đề này đã được đưa ra ở các hội thảo trước đó và ông cũng là người từng tham dự.

Xã hội - Hà Nội tăng giá vé gửi xe từ 1/1/2018: 'Cần quản lý minh bạch, tránh tát nước theo mưa'

TS. Phạm Sỹ Liêm đề nghị thực hiện nghiêm việc tăng vé trông giữ xe, tránh bị lợi dụng.

TS. Phạm Sỹ Liêm cho biết, tại hội thảo ông từng tham dự đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề tăng giá vé trông giữ xe. Có nhiều ý kiến lo ngại tăng vé xe sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

“Thời gian qua, vấn đề cho thuê đất lòng đường vỉa hè làm bãi đỗ xe có sự thiếu minh bạch. Do đó, việc cho thuê đất làm bãi đỗ xe thành cuộc chiến giành giật vỉa hè. Một số đối tượng lợi dụng việc được cấp phép sau đó cho thuê lại, những người thuê lại tăng giá vé trông giữ xe khiến người dân thiệt thòi. Chính điều này tạo nên sự thiếu minh bạch trong vấn đề giá vé trông giữ xe”, ông Liêm nêu thực trạng.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng giá vé trông giữ xe là một trong những giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân. Ví dụ ở chợ Đồng Xuân, giá vé xe nếu là 5.000 đồng/1 lượt gửi thì người dân có thể đi xe máy lên đó mua sắm đồ. Nhưng nếu giá vé tăng cao hơn, so với giá trị hàng hóa thì người dân sẽ xem xét, tính toán sử dụng phương tiện công cộng hoặc bằng phương thức nào đó cho hợp lý, kể cả chọn mua hàng ở nơi khác để tiết kiệm chi phí.

“Ở những tuyến phố đông đúc, chật chội, việc nâng giá vé trông giữ xe là một cách hạn chế phương tiện cá nhân, giảm áp lực giao thông. Nhưng theo tôi, việc tăng giá vé cần phải minh bạch thông tin. Tiền thu được phải vào Nhà nước để thành phố có ngân sách đưa quay trở lại đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp, ví dụ lắp camera, lát đá vỉa hè chẳng hạn.

Nếu không kiểm soát được thì tăng giá vé sẽ tạo ra tình trạng “tát nước theo mưa”, nhiều cá nhân trục lợi. Bởi thế, tôi đề nghị áp dụng công nghệ thông tin, kiểm soát các bãi trông giữ xe một cách chặt chẽ, ví dụ như yêu cầu các bãi đỗ xe có mã số thuế, phát hành vé do ngành Tài chính quản lý. Bán vé xe cho khách thể hiện bằng doanh thu, cuối tháng kê khai nộp thuế”, ông Liêm đưa ra giải pháp.

Cũng theo vị chuyên gia này thì thực tế có tình trạng ghi vé xe một cách thiếu trung thực, thậm chí là “vớ vẩn”, tự nâng giá, muốn thu phí bao nhiêu cũng được. Vì vậy, nếu tăng giá thì phải áp dụng thu thuế minh bạch, bằng không sẽ tạo điều kiện cho các bãi đỗ xe tư nhân lợi dụng tăng giá vé, lúc đó sẽ không đúng mục đích tốt đẹp ban đầu của TP.

“Tăng phí dịch vụ lòng đường, vỉa hè hay phí trông giữ xe với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông là đúng, nhưng phải quản lý chặt, không để tư nhân, cá nhân kiếm lời.

Những gì người dân băn khoăn quanh đề xuất tăng giá dịch vụ trông giữ xe là đúng. Vậy nên cần có biện pháp quản lý minh bạch, rõ ràng khi đề xuất tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, phí trông giữ xe đã được chấp thuận”, TS. Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.